XT18 | Biết đủ là đủ


Thứ ba - 29/05/2012 23:26

Biết đủ là đủ

Thành công thường thuộc về những người biết mình, biết người và biết đủ. Còn thất bại lại hay rơi vào những ai ngộ nhận về mình. Vali đã được xếp lên xe, không bao lâu nữa tôi phải có mặt ở sân bay, thế mà… “Mời Sếp nghe điện thoại của một bà xưng là chủ doanh nghiệp trong ngành địa ốc. Người này Sếp chưa quen, cũng chưa từng làm ăn với Công ty của mình nhưng, bà nói rằng… bà muốn tự tử!”.

Bà độ trên 50 tuổi. Về hình thức, dù bà đã rất chăm chút để làm cho mình nổi bật, nhưng vẫn dễ trộn lẫn ở chốn đông người. Khi gặp tôi, bà để lộ sự thất vọng. Bà cần một người già dặn hơn đủ sức tư vấn giúp bà chuyện “tình thế lưỡng nan”. Biết vậy, tôi nói rất khẽ: “Có thể tôi không đủ từng trải để giúp gì được cho bà, nhưng bà yên tâm, tôi là người biết lắng nghe”.

Trước đây, bà có một gia đình hạnh phúc, sung túc. Chồng của bà là cán bộ nhà nước, bà có hai con trai đã bước qua tuổi vị thành niên, học hành ổn định. Kinh tế gia đình tuy không đầy đủ như bây giờ, nhưng vui và đầm ấm. Mọi chuyện bắt đầu đảo lộn từ khi bà tham gia vào mua bán, sang tay nhà đất.

Sau khi nhập cuộc một thời gian, bà kiếm được rất nhiều tiền. Bà đã dùng số tiền này để xây nhà cao cửa rộng, sắm xe hơi cho mỗi thành viên trong gia đình và gởi con đi học nước ngoài, cho giống người ta.

Nói đến đây bà bắt đầu khóc, “Tưởng được nở mày nở mặt với bà con chòm xóm, dè đâu qua bển tụi nó hư hỏng lắm!”.

Những người quen biết đã đặt cho bà biệt danh là “Nữ đại gia”. Ai cũng khen bà là người giỏi giang, làm ăn gặp thời, vì “đánh đâu thắng đó”. Khi nói với tôi điều này, trên mặt bà vẫn còn thể hiện sự hãnh tiến. Bà tin chắc, bà rất có nghề kinh doanh nhà đất vì “Tôi đã mua qua bán lại nhiều thửa đất, sang tay rất nhiều căn nhà và, từ hồi làm ăn đến giờ chưa hề bị thua lỗ keo nào!”.

Tôi xin phép cắt ngang để hỏi: “Thưa, bà bắt đầu mua bán nhà đất vào năm nào ạ?”. “Năm 1994”. Ra vậy, đó là thời kỳ thị trường nhà – đất “rã băng” lần thứ nhất. Không riêng bà, ai nhúng tay vào sự chuyển dịch địa ốc vào thời điểm này đều phất cả.

Khi công chuyện làm ăn đến hồi cao trào, bà bắt đầu có dịp giao dịch với các chủ đầu tư trong ngành đầu tư và kinh doanh địa ốc. Bấy giờ bà mới vỡ ra, so với họ bà chỉ là “cò cao cấp”. Theo giúp họ đền bù đất dự án một thời gian, bà nghĩ rằng, “để trở thành một chủ đầu tư không khó lắm, chỉ cần có nhiều tiền và nhiều kinh nghiệm là được (?)”, mà hai điều kiện này bà đều có đủ. Và rằng, “lợi nhuận thu được từ đầu tư cũng nhiều hơn làm cò, lại nhẹ nhàng, quý phái hơn (?)”.

Nghĩ sao làm vậy, bà tiến hành thành lập Công ty đầu tư - kinh doanh địa ốc và đảm nhiệm vai trò giám đốc! Những việc này bà không hề tham khảo ý kiến của gia đình. Khi người thân biết chuyện liền khuyên can, bà bỏ ngoài tai. Tính bà là vậy, một khi đã quyết rồi, “trời gầm không nhả”.

Bà tin rằng mình là người đang gặp thời và rất am tường mọi lắt léo trong nghề mua bán nhà đất, đố ai qua mặt được. Vì vậy, không cần nghe ngóng thị trường, bà quyết định cho Công ty mới thành lập của bà đầu tư ngay dự án nhà vườn trên một khu đất vài chục hecta.

Theo bà, quỹ đất của Công ty bà rất đẹp, nó trải dài theo dọc bờ sông lớn, dù hiện nay đường vào khu đất chỉ là bờ ruộng vừa một chiếc xe gắn máy đi qua. Nhưng, bà nói, “Theo quy hoạch, thì sắp tới Nhà nước sẽ đầu tư một con đường lớn ngang qua khu đất này”. Và, người trong nghề địa ốc lâu năm như bà thì “phải thâu gom đất ngay từ bây giờ mới có ăn chớ đợi đường xá xong rồi mới mua thì có mà húp cháo”.

Bà bắt đầu bán hết những lô đất và những căn nhà mà bà đã mua được từ lợi nhuận làm cò để gom đất làm dự án, nhưng cũng không đủ. Và, bà đã đánh một đòn dứt điểm là, thế chấp luôn căn nhà của gia đình đang ở để trút vào dự án nhà vườn của Công ty do bà làm Giám đốc.

Ngày qua ngày, quỹ đất đã gom xong nhưng con đường lớn chạy ngang qua dự án thì chờ hoài không thấy ai làm. Chi phí quản lý, lãi suất ngân hàng phải trả tháng này qua tháng khác đã làm bà lâm vào hoàn cảnh “lãi mẹ đẻ lãi con”. Rồi gia đình bắt đầu lục đục, xào xáo khi bà không còn tiền gửi qua nước ngoài cho con tiếp tục ăn học.

Bà cho tôi xem bản vẽ hiện trạng khu đất. Tôi thấy hình dáng khu đất giống như lá lúa trải dài theo bờ sông. Với một vị trí như thế, khu đất đẹp thì có đẹp, nên thơ thì có nên thơ, nhưng sau khi trừ khoảng cách an toàn sông lớn (50m) dọc suốt chiều dài, diện tích đất ở còn lại sẽ ít như hạt mè rắc trên bánh tráng.

Hoặc, nếu khu đất không mỏng như lá lúa mà dày như lá chuối thì khoảng chi phí đầu tư dành riêng cho bờ kè sẽ đẩy giá đất ở lên cao đến phỏng tay. Liệu, có khách hàng nào chấp nhận “phỏng tay” với dự án của bà?. Và “ai dám ký duyệt những dự án chưa có phương án thông hành địa dịch, trong khi con đường vắt ngang qua khu đất thì như bóng chim tăm cá?”. Tôi ngần ngại nói ra những suy nghĩ của mình vì lo sẽ làm bà thất vọng thêm.


Và rồi tôi rất mừng khi nghe bà nói: “Mấy ngày nay, Khu công nghiệp sát bên khu đất có cử người tìm đến tôi để thương lượng đền bù, nghe nói họ rất cần đất dọc bờ sông để có chỗ cho công nhân thư giãn”. Nhưng, bà nói tiếp, “Tôi đã từ chối không tiếp vì khó khăn lắm tôi mới có quỹ đất đẹp như thế...”. Đã thế thì tôi đành nói thật “Cái lợi của khu đất thì ít, cái tai hại của khu đất thì nhiều”. Tôi chưa kịp nói xong, bà đã biến mất…

Nhiều tháng trôi qua, tôi nghĩ, “chắc bà quên tôi rồi”. Nhưng không.

Mới đây, bà gọi điện thoại cho tôi, giọng như reo trong máy. Bà cho biết, ngay sau cuộc gặp với tôi, bà chủ động tìm đến Khu công nghiệp để nhượng lại cho họ khu đất kia. Số tiền nhận được không thấm bao nhiêu so với số đã chi ra, nhưng cũng đủ trả nợ ngân hàng, đủ để chuộc căn nhà đã thế chấp và tiếp tục trang trải việc học cho con.

Sau biến cố của gia đình, các con bà có ý thức hơn trong học tập, nay đã học xong và quay về nước. Chồng bà khuyên “nên giải thể Công ty, dành thời gian để làm vợ, làm mẹ và... làm bà nội”. Bà đã nghe lời.

Vừa qua, bà đã bán cái dinh thự của mình để cưới dâu và chia của cho các con làm vốn. Số tiền ít ỏi còn lại ông bà đã mua lại một căn nhà nhỏ vừa đủ để ở và vui với cuộc sống đạm bạc nhưng thanh thản lúc tuổi đã xế chiều.

Nghe vậy, tôi chúc mừng bà.

Từ kinh nghiệm thực tế ở thương trường cho thấy: “Thành công thường thuộc về những người biết mình, biết người và biết đủ. Còn thất bại lại hay rơi vào những ai ngộ nhận về mình”./.

Nguồn tin: Tuần Việt Nam

CHIA SẺ:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây