XT18 | DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ


Thứ sáu - 08/08/2014 00:26
Mẹ Khi tôi 7 tuổi, cứ mỗi chủ nhật mẹ dẫn chị em chúng tôi đến Hội Dục Anh ( gần chợ Thái Bình ) nơi các bạn mồ côi được nuôi dưỡng. Cùng chơi, cùng chia bữa cơm với các bạn, những ngày chủ nhật ấy đă làm cho tâm hồn trẻ thơ hiểu được cái hạnh phúc lớn lao của người còn mẹ, cái may mắn được có bữa cơm với ông bà, và cái lẽ tự nhiên của sự xẻ chia.

Khi hai cháu ngoại của tôi đập ống heo của mình để cùng với bà đi đến mái ấm tặng mấy đồng xu để giành cho các anh chị nạn nhân da cam, tôi bật khóc vì nhớ mẹ, nhớ những ngày chủ nhật của mấy mươi năm trước và muốn nói với vong linh của mẹ rằng bài học về sự chia xẻ của mẹ không bị thất lạc. Cảm giác may mắn với số phận hiện tại luôn giúp tôi tâm bình chính nhờ từ nhỏ mẹ đã cho tôi thấy có bao nhiêu người bất hạnh hơn mình dù cái hạnh phúc của mình cũng thật nhỏ nhoi.

      Có một lần, mẹ bắt chí cho đứa con gái 10 tuổi và nói chỉ mong con trở thành người bạn nhỏ của mẹ. Mong ước đó của mẹ không thành vì Bà đã bị chôn sống bởi giặc Mỹ trong chiến tranh. Nhưng hai đứa con gái còn lại của tôi ( đứa lớn đã chết vì chất độc da cam ) đã thực sự trở thành người bạn nhỏ của tôi, cùng chia xẻ với tôi những vui buồn của cuộc sống hôm nay. Chỉ không hiểu bạn nhỏ của tôi có hiểu được cái may mắn là người bạn già này vẫn còn đồng hành cùng mình? Và tất cả những ai còn có cha, có mẹ, dù cha mẹ có cao tuổi, có khi đã lẩm cẩm, có lúc đã lẫn thẫn có hiểu được cái hạnh phúc lớn lao còn được hưởng sự chở che của người bạn lớn. Vì sau đó, dù có muốn đánh đổi cả thế giới để có, dù một giây, cái hạnh phúc ấy thì cũng không bao giờ được nữa.

      Gặp lại mẹ sau hơn 10 năm xa cách. Bị mẹ rầy, cô gái 22 tuổi xịu mặt như những năm còn thơ. Mẹ nói: bị rầy mà " ụ mặt" như vậy thì làm sao thấy được lỗi mà sửa? Câu rầy đó, câu rầy cuối cùng của mẹ, đã đi với tôi suốt mấy mươi năm qua, nhắc tôi nhớ rằng, muốn nên, muốn tốt, phải biết bình tĩnh mà nghe lời phê bình. Cũng cho tôi thấm thía hơn rằng, dù bao nhiêu tuổi, trong mắt người mẹ, đứa con vẫn là đứa con bé bỏng, cần dạy, cần rầy cho nó nên người. Dù có lớn bao nhiêu thì trước mẹ, đứa con cũng quay về lại những thói quen của tuổi ấu thơ.

      Trong những dòng thư gởi ra miền Bắc từ trong các nhà tù miền Nam, mẹ không kể về những tra tấn, cực hình mà bà và các dì, các chú bác đang chịu mà chỉ dặn con gái rằng xung quanh mình còn nhiều khổ cực, con không nên đua đòi mà phải dồn sức để học cho giỏi.

Cứ như vậy, dù đã đến tuổi thất thập, những lời mẹ dạy vẫn dẫn dắt tôi

                                           


Tác giả: Lam Ngọc, Paris những ngày hè 2012

CHIA SẺ:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây