Thông tin liên hệ
- 0949 319 769
- thuyhungphat68@gmail.com
Ý tưởng: yếu tố cần
Theo thạc sĩ Quách Tuấn Khanh, diễn giả của chương trình: “Mặc dù “Khởi nghiệp từ tay trắng”, nhưng tay trắng không có nghĩa là không có gì. Do đó, với số tiền ban đầu bằng không, bạn phải có “cái gì” đó để làm vốn, để làm ra tiền. "Cái gì" đó chính là ý tưởng, trí tuệ, sự khôn ngoan, năng lực thuyết phục, năng lực điều hành và trên hết là bạn phải có cái đầu, có suy nghĩ đúng đắn của một người làm chủ thành công. Đó chính là nền tảng cần có khi bước vào kinh doanh. Một trong những “cái” cần đầu tiên là ý tưởng”. Bất ngờ, diễn giả đạt câu hỏi “Ở đây, bạn nào đã có ý tưởng kinh doanh?”. Một, hai, ba... rồi gần chục cánh tay giơ lên, không khí trở nên sôi nổi hẳn khi buổi tư vấn dành 15 phút cho phần phản biện. Những câu hỏi tới cùng, hơi ngoắt ngoéo và dồn dập của diễn giả khiến các "ông chủ tương lai" lúng túng. Sau phần phản biện, diễn giả đưa ra lời khuyên: “Khi bạn có ý tưởng kinh doanh, hãy tìm một người bạn hoặc một người thân có trình độ, hoặc đang thành công trong kinh doanh càng tốt, nhờ phản biện cho bạn thường xuyên. “Công đoạn” này sẽ giúp bạn tìm ra những cái chưa nhìn thấy, tìm hiểu kỹ hơn lĩnh vực mình chọn trước khi “bắt tay vào kinh doanh để tránh rủi ro. Trong trường hợp lĩnh vực bạn kinh doanh không bán sản phẩm với số lượng nhiều, bạn phải đưa ra giá bán thật cao. Muốn vậy, sản phẩm của bạn phải độc đáo, "độc nhất vô nhị" càng tốt và quan trọng là bạn phải thể hiện tính chuyên nghiệp từ A đến Z, làm thế nào để khách hàng tin tưởng, nhìn thấy tính chuyên nghiệp khi tiếp xúc với bạn và đội ngũ nhân viên của công ty bạn.
Tuy nhiên, trong kinh doanh, muốn có ý tưởng không khó. Cái khó là làm sao ứng dụng và triển khai ý tưởng thành công, làm sao tăng quy mô kinh doanh, tăng số lượng khách hàng... Vì vậy, ý tưởng mới chỉ là yếu tô cần, không phải là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Để minh chứng cho điều này, diễn giả Quách Tuấn Khanh lấy ví dụ chủ thương hiệu bánh hamburger McDonald không phải là người làm bánh ngon nhất, cũng không phải là người duy nhất kinh doanh hamburger, nhưng ông thành công trong lĩnh vực này vì thương hiệu McDonald's được cả thế giới biết đến nhờ cửa hàng của ông có mặt ở khắp nơi trên thế giới.
Đừng là ông chủ duy nhất
Từ câu chuyện thất bại thực tế của mình qua hai lần mở công ty: Công ty đầu tiên là công ty tư vấn, “thấy mình có bằng cấp, có trình độ, thấy người ta làm, mình làm”, công ty không có đường hướng, mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, thậm chí không biết tư vấn cái gì, đụng gì tư vấn đó. Công ty thứ hai là công ty PR, tổ chức sự kiện, được mở ra vì muốn khăng định bản thân, vì tự ái chứ không có mục đích, thạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ kinh nghiệm: trước khi mở doanh nghiệp, các bạn đừng nghĩ đến lợi nhuận dù đương nhiên ai mở doanh nghiệp cũng vì lợi nhuận. Mục đích phải là sự đam mê, nếu thích lĩnh vực mình kinh doanh, say sưa dồn hết tâm huyết làm ra sự khác biệt giữa sản phẩm của mình với sản phẩm khác, giữa công ty mình với công ty khác. Có mục đích thì mới có niềm vui trong kinh doanh, mới đủ sức đứng dậy nếu "lỡ" thất bại. Lời khuyên của tôi: Nếu bạn chọn công việc kinh doanh mà mình không thích hoặc chỉ vì lợi nhuận thì chỉ nên làm một nhà đầu tư, đừng làm chủ doanh nghiệp". Song, bài học lớn nhất khi muốn làm chủ một doanh nghiệp là đừng xây dựng công ty với mình là ông chủ duy nhất. Tư tưởng này phải được hình thành ngay từ khi có ý định mở doanh nghiệp. Câu chuyện của bút bi Hanson là một ví dụ: Hanson là một công ty gia đình, khi ông chủ của Hanson bị bệnh qua đời, bút bi Hanson bị xóa sổ vì công ty này chỉ tuyển những người biết đồng ý, thừa hành những gì ông chủ đưa ra nên khi vắng chủ, nhân viên không biết xoay xở, không giữ được thương hiệu.
Điều cần nhất để một doanh nghiệp thành công, theo thạc sĩ Tuấn Khanh là phải có ba người cùng hợp sức gánh vác. Một là người phụ trách chuyên môn, hai là người quản lý và ba là người chủ doanh nghiệp. Người chủ phải là người đưa ra ý tưởng, tìm đường đi; người quản lý sẽ là người biến ý tưởng thành hiện thực và người chuyên môn sẽ là người thực hiện ý tưởng. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, cả ba con người đó sẽ ở trong một người chủ duy nhất, do anh ta thực hiện và điêu hành. Do vậy, người chủ phải là người biết truyền lửa và cảm hứng cho nhân viên cùng đi theo mình, tạo ra nhiều chân rết cùng gánh vác công việc chứ đừng coi mình là ông chủ duy nhất. Tóm lại, trong kinh doanh không ai có thể dạy cho mình nên làm gì để làm chủ, để biến cái “không có gì” thành “có gì”, các bạn phải tự lăn lộn, chiêm nghiệm, học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng. Hãy trang bị hành trang cho mình bằng kinh nghiệm của những người đi trước, đọc những cuốn sách hay về chuyên môn, những cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm làm chủ Dạy con làm giàu, Bảy thói quen của người thành đạt, Những bài học của bảy tổng giám đốc thành công nhất nước Mỹ...
Nguồn tin: sưu tầm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn:
Những tin cũ hơn: