Thông tin liên hệ
- 0949 319 769
- thuyhungphat68@gmail.com
Chọn người “thực tài - thực đức”
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đất nước ta đứng trước tình thế nghìn cân treo sợi tóc. Trong tình thế đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đoàn kết, đại đoàn kết vì lợi ích tối cao của dân tộc, của Tổ quốc và những người “thực tài – thực đức” hơn bao giờ hãy hăng hái tham gia công cuộc xây dựng đất nước. Chính quyền nhân dân vừa kháng chiến, vừa phải đối phó với âm mưu bạo loạn, lật đổ của “thù trong – giặc ngoài”. Vấn đề giữ vững độc lập dân tộc trở nên vô cùng cấp bách.
Một đặc điểm nổi bật trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ này là chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm xây dựng một bộ máy vừa có những người cộng sản, vừa có những người yêu nước khác.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa vào 3 điểm để chọn người tài – đức: một là, đặt quyền lợi quốc gia cao trên tất cả.
Hai là, có lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”.
Ba là, phải nhìn vào thực chất con người, thực tài, thực đức. Bác nói: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức.”
Đăng thông báo tìm người tài
Theo các nhà nghiên cứu, Hồ Chí Minh có lẽ là người lãnh đạo duy nhất trên thế giới đăng thông báo tuyển người tài cho đất nước. Thông báo “Tìm người tài đức” ký tên “Chủ tịch Chính phủ Việt Nam-Hồ Chí Minh” đăng trên báo Cứu Quốc” ngày 20/11/1946.
Nội dung bản thông báo như sau:
“Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức.
E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.
Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.
Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.
Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ.
Chủ tịch Chính phủ Việt Nam
Hồ Chí Minh "
Năm 1946, khi nghe tin thủ tướng chính quyền Sài Gòn, Nguyễn Văn Thinh tự vẫn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ lòng thương tiếc một người tài năng đã đi lầm đường. Người viết: “Việc ông mất đi khiến cho Việt Nam mất đi một vị bác sĩ tài năng, cần cho công cuộc kiến thiết nước nhà”.
Ban cố vấn nhiều thành phần
Sau 1945, khi chính quyền mới được thành lập, để tập hợp nhân tài, Hồ Chí Minh đề nghị cử ra một Ban cố vấn cho Chủ tịch gồm 10 người, trong đó có những nhân vật rất đặc biệt.
Tư tưởng dùng người của Bác trong các giai đoạn tiếp theo tiếp tục được quán triệt và phát huy. Nguồn ảnh: antg.cand.com.vn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn, Bảo Đại làm cố vấn tối cao cho chính phủ.
Rất xúc động về việc này, Bảo Đại đã viết thư về cho mẹ là bà Từ Cung: “Cụ Hồ tốt lắm! Con ra đây được Cụ Hồ thương lắm! Cụ thương con như con! Ả (tức mẹ) cứ yên tâm. Không phải lo chi cho con cả”.
Việc mời một người hoàng tộc làm cố vấn cho chính quyền đã ảnh hưởng đến nhiều người trong hoàng tộc hăng hái tham gia việc nước.
Ban cố vấn có cụ Bùi Bằng Đoàn vốn là một thượng thư trong triều đình Huế. Cụ Bùi Bằng Đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một bậc đại thần “triều ẩn lập thân hành thiện”, làm quan lớn trong chế độ cũ nhưng một lòng thanh liêm, yêu nước thương dân.
Khi đọc được bức thư “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc (1946), với niềm hạnh phúc của một người “làm quan từ thuở ngoài hai mươi tuổi của cái thời nước mất, ngoại bang đô hộ; hơn ba mươi năm ở ghế quan trường dưới ba đời vua “An Nam” giờ đã được nhìn thấy đất nước độc lập, tự do, cụ đã đồng ý ra "giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc”.
Cụ tham gia Quốc hội với tư cách đại biểu Hà Đông và được bầu làm Trưởng ban thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I ngày 9/11/1946.
Bác Hồ không những động viên cụ Bùi tham mưu việc nước mà còn là một người bạn thơ rất thân thiết của cụ Bùi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đã được Hồ Chí Minh cảm hoá tham gia mặt trận Việt Minh và trở thành một trong những nhân tố tích cực của Cách mạng Tháng 8. Với tài năng và nhiệt huyết cách mạng, tại cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, Nguyễn Văn Luyện được chọn là 1 trong 6 vị đại biểu quốc hội đầu tiên của Hà Nội (gồm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Duy Hưng, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Văn Luyện, Hoàng Văn Đức và Nguyễn Thị Thục Viên). Năm 1946, ông được bầu làm Uỷ viên Ban thường trực quốc hội.
Ngô Tử Hạ được coi là ông chủ nhà in đầu tiên có tấm lòng yêu nước, ghét Tây. Ông thường giao hảo với những chí sĩ có lòng yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Bùi Bằng Đoàn. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Ngô Tử Hạ tích cực tham gia phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và trở thành cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Quốc hội bầu là ủy viên Ban thường trực của Quốc hội khóa I nước VNDCCH và là đại biểu cao tuổi nhất.
Các nhà nho như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Nguyễn Văn Tố cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia giúp nước. Và còn biết bao nhà trí thức nữa được Hồ Chí Minh thu phục nhân tâm, đã tự nguyện dốc hết tâm trí của mình cho sự nghiệp cứu nước.
Trên đây chỉ là những câu chuyện nhỏ nói lên tài dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của thời kỳ đầu cách mạng. Việc dùng người đó không chỉ phục vụ cho công việc mà góp phần rất to lớn trong việc gìn giữ bộ máy chính quyền trong thời kỳ trứng nước, trước âm mưu “Cầm Hồ diệt cộng” của kẻ thù.
Nhờ tư tưởng sáng suốt đó của Hồ Chủ tịch, được sự ủng hộ hết lòng của toàn dân, chính quyền non trẻ của chúng ta đã tồn tại và ngày càng được củng cố, lớn mạnh. Tư tưởng dùng người của Bác trong các giai đoạn tiếp theo tiếp tục được quán triệt và phát huy để đội ngũ cán bộ của chúng ta cũng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng.
Nguồn tin: Bee
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn:
Những tin cũ hơn: