XT18 | Chàng lùn 34 tuổi nhặt rác nuôi cha già


Thứ bảy - 26/05/2012 22:00

Chàng lùn 34 tuổi nhặt rác nuôi cha già

Chỉ cao khoảng 80cm, cân nặng chừng 20kg, với thân hình nhỏ bé ấy ít ai nghĩ rằng đã 20 năm nay "chàng lùn" vẫn cần mẫn đi bộ quanh thành phố để nhặt rác kiếm tiền nuôi cha già đã ngoài 70 tuổi…

Hai cha con phận bạc

Đã ngoài 30 tuổi, nhưng anh Phùng Gia Cường, SN 1977, tên thường gọi là Đinh, trú tại thôn 3, làng Ý, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ lũn cũn như cậu bé 5 - 6 tuổi. Là con út trong gia đình có 6 người con, cũng là người duy nhất bị "bệnh lùn", nhưng hàng chục năm nay Phùng Gia Cường cũng chính là người con có hiếu nhất luôn bên người cha già, lê những bước chân ngắn củn tập tễnh từng bước khó nhọc đi nhặt rác để nuôi cha.

Ông Phùng Văn Sơn, cha Cường năm nay đã ngoài 70 tuổi. Tuổi cao, giờ ông Sơn chỉ quanh quẩn ở nhà và chờ đến chiều tối để đạp xe đi đón người con trai đi khắp nơi trong thành phố nhặt rác kiếm tiền. Ông Sơn kể: "Nó sinh ra bé tong teo, nhà nghèo nên cũng không làm gì để giúp con được. Lên 2 tuổi mẹ nó cũng không may qua đời. Tôi đi bước nữa nhưng bà hai cũng lại sớm bỏ bố con tôi mà ra đi…".
Phùng Gia Cường và bố

 

Nhà Cường đông anh em, nhưng những anh chị em của Cường khi lớn lên vì cảnh nghèo mà phải tha hương để làm thuê nên cũng không thể chăm lo được cho cha già và người anh em không may gặp phận hèn đầy bất hạnh.

Từ khi là một cậu nhóc, cho đến nay đã trưởng thành, nhưng Cường luôn sống trong cảnh đơn côi và tránh né mọi người. Anh buồn phiền tâm sự: "Nhìn tôi, người ta cứ nhìn như một dị nhân, vật thể lạ, cho nên tôi luôn mặc cảm và rất sợ sự trêu đùa của những đứa trẻ con trong phố".

"Đã có lần tôi phải nhập viện vì đám trẻ con thấy tôi đi nhặt rác, chúng xúm lại trêu đùa khiến tôi sợ hãi, luống cuống bị ngã đập mặt xuống đường nên phải nhập viện. Khi ra viện, tuy vẫn rất sợ nhưng tôi vẫn phải đi nhặt rác. Đây là công việc duy nhất mà tôi có thể kiếm tiền để nuôi thân và lo cho cha già" anh Cường chia sẻ.

Từ nhà anh ra trung tâm thành phố chỉ vài cây số, nhưng sáng nào cũng vậy, tờ mờ sáng, khi gà còn chưa gáy, Cường đã cầm bao tải đi bộ trên đường bởi vì bước chân của anh quá ngắn nên đoạn đường đi của anh cũng phải mất gấp đôi, gấp ba thời gian so với người bình thường. Thế nhưng ngày nào anh cũng đi bộ hàng chục cây số khắp các ngõ ngách của TP để tìm nhặt phế thải. Cường được người dân thành phố rất quý mến, họ chia sẻ, tuy là người bất hạnh, nhưng Cường sống rất thật thà, sạch sẽ, nhặt phế thải xong anh luôn gom những loại rác bẩn không thể bán được gọn gẽ thành đống chứ không bày bừa như những người nhặt rác khác…

"Chàng lùn" Phùng Gia Cường

 

Chỉ muốn sống làm người có ích

Tại hồ Đầm Vạc của TP Vĩnh Yên, nơi có rất nhiều các quán nước giải khát tập trung đông khách, nhiều người ăn xin lảng vảng ở đây để xin lòng hảo tâm của khách. Nhìn họ còn khỏe mạnh, vạm vỡ gấp bội Cường, chẳng qua là khoác trên người bộ đồ rách rưới, hôi hám mà thôi. Chỉ quanh quẩn xin tiền khách như vậy xong thu nhập của họ gấp 3, gấp 4 lần so với số tiền 60 nghìn đồng/ngày mà Cường kiếm được bằng việc đi nhặt rác.

Hỏi Cường tại sao không làm như những con người kia, đỡ vất vả mà cũng có cái mà ăn, nuôi cha già? Cường trả lời: "Không làm như vậy! Làm như vậy là không tốt. Mình còn làm được, còn kiếm ra tiền được bằng sức lao động của mình thì tại sao lại đi xin người khác. Đồng tiền mình kiếm được có ý nghĩa hơn nhiều chứ".

Qua câu chuyện của Cường, tôi biết được anh đã rất nhiều lần bị tai nạn khi đi nhặt rác. Khi thì bị chó cắn, khi thì bị xe công nông tông phải, bị sự trêu đùa ác ý làm anh tổn thương… Tất cả vì anh quá nhỏ bé! Nhưng Cường vẫn không muốn rời bỏ công việc bởi anh không muốn sống là một kẻ vô ích.

Tuy luôn luôn phải đi bộ khom người nhặt rác rất mệt nhọc và vất vả, nhưng mỗi ngày Cường chỉ ăn một bữa. Mỗi bữa chỉ ăn một bát cơm. Khi tôi tò mò hỏi ăn như vậy làm sao đủ sức mà làm? Cường giải thích: "Ngày trước, gia đình nghèo, nhiều khi bố và dì không có gì ăn cả, lại tốn tiền thuốc thang cho dì, nên ăn ít thành quen". Đến bây giờ, Cường cũng không thể ăn được nhiều hơn vì đã thành thói quen.

Những người bán hàng quanh hồ Đầm Vạc rất quý mến Cường bởi: "Tuy rất nhiều người khách tỏ ý muốn cho tiền nhưng Cường không nhận. Chú vậy mà rất đàng hoàng, không xin không của ai cái gì đâu, chỉ muốn tự mình kiếm tiền thôi! Nhiều khi thương tình chúng tôi cho chú ấy cái bánh, ngụm nước mà phải nói mãi chú ấy nhận đấy".

Nói về công việc của mình, Cường tâm sự: "Đi làm như vậy rất mệt, quần áo lúc nào cũng bẩn nhưng nếu không đi thì ở nhà buồn lắm. Đi làm có thêm tiền để nuôi cha già!".

Cường kể, đã từng có một đoàn xiếc ở Hà Nội mời anh đi biểu diễn. Lúc đó, biết tin anh rất vui, nhưng sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh quyết định từ chối vì muốn ở nhà chăm nom cha già.

Anh bảo: "Đi theo đoàn xiếc sẽ có nhiều tiền nhưng sẽ không chăm nom được cha già".

Cũng đã có một số người đến xin Cường về nuôi, nhưng ông Sơn không đồng ý.

Ông tâm sự: "Thân phận nó đẻ ra không may đã vậy, nhưng nó là con mình. Tôi thương nó và giờ hai bố con ở với nhau là niềm vui của chúng tôi. Nó lùn nhưng là đứa con hiếu thảo. Giờ tôi chỉ có thể nương nhờ nó lúc tuổi già!" - ông Sơn tự hào về con".

Được biết, các cơ quan chức năng cũng đã giúp đỡ hai bố con bằng số tiền trợ cấp hàng tháng. Nhưng Cường nhất quyết không sử dụng mà để giành tiết kiệm bảo để còn phụng dưỡng cha lúc bệnh tật. Còn tiền ăn hàng ngày thì khi nào còn đi được tôi vẫn sẽ đi nhặt rác để bán kiếm tiền…

Nguồn tin: Theo Đ.Hạnh - V.Bắc (Pháp luật & Xã hội)

CHIA SẺ:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây