XT18 | Đi làm, hãy nhớ: Đừng xem công ty như gia đình! Bởi thái độ “gia đình” sẽ có hại cho cả con đường sự nghiệp và quyền của bạn


Thứ hai - 09/01/2023 11:18
Là người đi làm, tôi không coi công ty là gia đình, vì thái độ “gia đình” ở đây có hại cho cả con đường sự nghiệp của bạn và quyền của bạn.Hồi mới đi làm, ngồi nhậu với đồng nghiệp, họ thường nói: “Anh/chị xem em như em gái trong nhà, team mình cũng như một gia đình”.

Và tôi mất thời gian rất lâu để rời khỏi sự nhầm lẫn xem công ty là gia đình, cũng như nhiều bạn bè bắt đầu đi làm thời đó.
Khi coi công ty là gia đình, ta mù quáng quên mất những quyền và nghĩa vụ của người đi làm. Nhiều bạn bè của tôi khi mới vào nghề đã không dám hỏi sếp về lương, bảo hiểm, trợ cấp đi lại, trợ cấp độc hại vì sếp coi bạn là… em trai/ em gái.

Nghĩa là ở đây, bạn hoàn toàn không được hưởng những quyền bình thường nhất của người lao động, chỉ vì sếp là “gia đình”. Nhiều người làm việc suốt 2 năm trời cho một công ty hoàn toàn không có trò chuyện về hợp đồng ngắn hạn hay dài hạn, mà chỉ toàn những lời hứa suông kiểu: “Mình anh em trong nhà, anh sẽ lo cho em” hay “Công ty sẽ luôn đứng về phía em, em yên tâm”.

Không có quyền lao động, nghĩa vụ lao động cũng sẽ lỏng lẻo. Vì bạn ấm ức không có đủ hỗ trợ như đồng nghiệp, bạn có xu hướng thể hiện kém hơn, chậm chạp hơn, hoặc ỷ lại vì sếp như “anh trai” nên thôi ngủ dậy trễ mai vẫn làm xong việc là được. Thái độ “gia đình” ở đây có hại cho cả con đường sự nghiệp của bạn và quyền của bạn.

Là người đi làm, tôi không coi công ty là gia đình, vì:

1. Khi coi công ty là gia đình, ta mù quáng quên mất những quyền và nghĩa vụ của người làm việc.

2. Khi coi công ty là gia đình, ta sợ rời bỏ nó.

3. Khi coi công ty là gia đình, ta dễ đánh mất giá trị bản thân mình (Nếu không có công ty thì A/B/C chẳng là gì cả).

4. Khi coi công ty là gia đình, ta nhầm lẫn giữa mái nhà và công việc.

Với tôi, công ty không phải gia đình và tôi sẵn sàng ra đi khi có lựa chọn mới trong công việc. Nhưng công ty là nơi đem lại cho tôi những bạn bè, anh chị mà sau công việc họ trở thành người thân thuộc. Dù tôi nghỉ việc, sếp vẫn là thầy, là bạn. Đồng nghiệp vẫn là bạn thân, đi chơi hoặc đi học cùng nhau.

Tác giả: Khải Đơn


Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến: Công ty phải như một đội bóng chứ không phải như gia đình!

“Tôi nói này:

Công ty như một gia đình nghe rất là dễ thương. Và các sếp thỉnh thoảng hay dùng bài đấy để nói chuyện với nhân viên. Nhưng đấy chỉ là gia đình dành cho mấy đứa con ngoan thôi.

Trong một gia đình, giống như bàn tay, có ngón ngắn có ngón dài. Nếu mà có đứa nghiện hút, có đứa phạm lỗi ở trong gia đình, chúng ta vẫn phải bảo vệ, vẫn phải nuôi nó. Chẳng may có đứa bị tật nguyền, thì mình vẫn nuôi bởi vì đó là gia đình, không được đuổi đứa đấy ra khỏi nhà và cũng không ai đuổi cả, vẫn chăm lo mọi chuyện.

Thế nhưng công ty phải như một đội bóng, từ chủ tịch đến anh xách nước, anh tiền đạo, anh hậu vệ ai cũng phải phấn đấu hết mình trong mỗi trận bóng để giữ vị trí của mình.

Ronaldo có đá hay bao nhiêu, 3 trận không ghi bàn cũng xuống làm dự bị.

Vì vậy, một công ty phải như một đội bóng chứ không phải như gia đình!”

“Ngày xưa, chúng tôi hay ca ngợi công ty mình như một gia đình. Đến giờ tôi phản đối. Một công ty phải như một đội bóng, từ huấn viên,… lúc nào cũng phải phấn đấu để giữ vị trí. Vì nếu như trong gia đình, có đứa nghiện hút vẫn phải nuôi. Nhưng thực tế, công ty không thể làm được đó.”

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến, cựu Chủ tịch FPT Software, chủ tịch FPT Telecom tại một sự kiện nhân sự diễn ra trước đây tại TP HCM.

“Ngày tôi về làm ở FPT Software, nhiều người hỏi tôi cần bao nhiêu người. Khi nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch, tôi chỉ mang về 2 người. Cô thư ký đã làm cho tôi 10 năm và anh lái xe đã làm cho tôi 5 năm. Mọi người ngạc nhiên lắm. Tôi không cần bất kỳ người nào, không cần giám đốc tài chính hay giám đốc bán hàng. Thực sự tôi rất tự hào về điều đó vì FPT đã có nền tảng tuyệt vời với đội ngũ tuyệt vời”, ông Tiến dẫn dắt để trả lời cho câu hỏi của người điều phố rằng: Lãnh đạo cần những phẩm chất gì.

hoang-nam-tien-fbt
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom

Theo ông Tiến, lãnh đạo cần 3 điều. “Thứ nhất, phải kế thừa những gì tốt đẹp nhất của người đi trước. Thứ hai là phải thay đổi. Nếu không thay đổi cho tốt hơn thì người ta không lãnh đạo mới làm gì. Thứ ba là đổi mới. Nếu lãnh đạo làm được 3 điều đấy thì sẽ khẳng định được giá trị của bản thân”.

Ông Tiến kể lại, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, từng đúc kết 3 chữ với lãnh đạo là Chí gương sáng. Chí ở đây là chí công vô tư, điều này rất khó đối với lãnh đạo. Gương là lãnh đạo phải là tấm gương sáng. Lãnh đạo không đi làm đúng giờ, không gương mẫu, không chăm chỉ thì khó nói được nhân viên. Sáng là sáng suốt.

Và nếu chỉ được chọn một từ trong số các phẩm chất của lãnh đạo thì ông Tiến sẽ chọn sáng suốt. “Tôi nghĩ đơn giản, công ty được thành lập ra để kiếm tiền. Người lãnh đạo mà không sáng suốt kiếm ra tiền thì có nói về văn hóa thì rồi công ty cũng không tồn tại được. Công ty không kiếm ra tiền thì khỏi nói về văn hóa. Tôi chọn từ sáng suốt”.

“Ngày xưa, chúng tôi hay ca ngợi công ty mình như một gia đình. Đến giờ tôi phản đối. Một công ty phải như một đội bóng, từ huấn viên, hậu vệ … lúc nào cũng phải phấn đấu để giữ vị trí. Vì nếu như trong gia đình, có đứa nghiện hút vẫn phải nuôi. Nhưng thực tế, công ty không thể làm được đó.”

Ông Tiến đã nói về câu chuyện công nghệ ở FPT và mối liên quan giữa công nghệ và nhân sự. “FPT Software từng kinh doanh tốt nhưng đến một ngày đẹp trời, không tốt nữa. Lúc đó, chúng tôi không họp để nói về công nghệ mà chỉ nói về chuyện đuổi người. Vấn đề là ở đâu?

Trước đó, chúng tôi đã rất thành công và hài lòng với công nghệ đang làm. Đột nhiên chúng tôi nhận ra rằng, nếu cứ đi như thế này thì sẽ đi vào con đường mòn. Và lúc đó chúng tôi mới nhận ra vai trò của công nghệ. Lúc đó chúng tôi mới bắt đầu đầu tư vào big data, Internet of things….

Điều bất ngờ là từ công nghệ, giúp chúng tôi tiếp cận với những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, cho phép chúng tôi cạnh tranh với họ.

Và lúc đó, mọi công việc liên quan đến đuổi người, tìm người, quản lý nhân sự, tìm người tài được giải quyết hết. Bạn hãy tin tôi đi, nếu không giữ được tốc độ tăng trưởng hơn hẳn công ty cùng ngành mình thì luôn gặp vấn đề nhân sự. Khi tăng trưởng vẫn gặp vấn đề về nhân sự nhưng chúng tôi gọi là good problems. Nếu tăng trưởng bằng hoặc ít hơn thì ngày nào cũng gặp vấn đề về nhân sự. Công nghệ hay ở chỗ đó”, ông Tiến nói.

Quan điểm này của ông Tiến cũng khá giống với doanh nhân Matt Engel, chủ tịch đồng thời là CEO của Attend.com từng chia sẻ trên tạp chí Inc. Theo ông có một mục tiêu chính với những đội bóng đá chuyên nghiệp là đạt được và giành chiến thắng tại các giải đấu danh giá. Để chiến thắng, các đội bóng phải có tầm nhìn gồm việc có một kế hoạch thi đấu và quyền tự chủ cá nhân để đưa đội đến chức vô địch.

Một doanh nghiệp, giống như một đội bóng đá, phải có tầm nhìn hướng tới thành công. Điều này có nghĩa là có kế hoạch kinh doanh, chiến lược tiếp thị và các thành viên trong nhóm phù hợp để thực hiện những mục tiêu, kế hoạch và chiến lược mà bạn đã thiết lập cho doanh nghiệp của mình.

Matt Engel cũng cho biết thêm “Với bóng đá điều không thể thiếu là huấn luyện viên và đội trưởng. Trong thế giới kinh doanh, CEO đội ngũ quản lý là người chọn tất cả những cá nhân xuất sắc và kéo họ lại với nhau thành một nhóm với mục đích chung. Và sau đó buộc họ phải thực hiện.”

Engel quan niệm đối với một đội bóng, đó là thắng lợi và thua lỗ. Đối với một doanh nghiệp bạn có khách hàng hạnh phúc và nhân viên hạnh phúc.

Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến: Công ty phải như một đội bóng chứ không phải như gia đình!

Nguồn tin: blogdoanhnhan

CHIA SẺ:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây