XT18 | LỰA CHỌN NHÀ THẦU XÂY DỰNG


Thứ năm - 24/05/2012 23:12
Chương VI LỰA CHỌN NHÀ THẦU VÀ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG Mục 1 LỰA CHỌN NHÀ THẦU XÂY DỰNG Ðiều 95. Lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng 1. Lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng được thực hiện đối với các công việc, nhóm công việc hoặc toàn bộ công việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát và các hoạt động xây dựng khác. 2. Việc lựa chọn nhà thầu là nhằm tìm được nhà thầu chính, tổng thầu, thầu phụ có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng phù hợp với
 loại và cấp công trình.
3. Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có thể giao một phần công việc của hợp đồng cho thầu phụ. Thầu phụ phải có đủ năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng tương ứng và được chủ đầu tư xây dựng công trình chấp nhận; thầu phụ không được giao toàn bộ hoặc phần việc chính theo hợp đồng cho các nhà thầu khác.
4. Lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng phải tuân theo các quy định của Luật này và pháp luật về đấu thầu.
Ðiều 96. Yêu cầu lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng
1. Việc lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm những yêu cầu sau đây:
a) Ðáp ứng được hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng công trình;
b) Chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng phù hợp, có giá dự thầu hợp lý;
c) Khách quan, công khai, công bằng, minh bạch;
2. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư xây dựng công trình có quyền quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu.
Ðiều 97. Các hình thức lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng
Tùy theo quy mô, tính chất, nguồn vốn xây dựng công trình, người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư xây dựng công trình lựa chọn nhà thầu theo các hình thức sau đây:
1. Ðấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;
2. Chỉ định thầu;
3. Lựa chọn nhà thầu thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.
Ðiều 98. Yêu cầu đối với đấu thầu trong hoạt động xây dựng
1. Ðấu thầu trong hoạt động xây dựng để lựa chọn được nhà thầu phù hợp nhằm bảo đảm tính cạnh tranh.
2. Ðấu thầu chỉ được thực hiện khi đã xác định được nguồn vốn để thực hiện công việc.
3. Không được kéo dài thời gian thực hiện đấu thầu để bảo đảm tiến độ, hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình.
4. Bên trúng thầu phải có phương án kỹ thuật, công nghệ tối ưu, có giá dự thầu hợp lý.
5. Nhà thầu trong nước tham gia đấu thầu quốc tế tại Việt Nam được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
6. Không được sử dụng tư cách pháp nhân của tổ chức khác để tham gia dự thầu; dàn xếp, mua, bán thầu; dùng ảnh hưởng của mình làm sai lệch kết quả đấu thầu hoặc bỏ giá thầu dưới giá thành xây dựng công trình.
Ðiều 99. Ðấu thầu rộng rãi trong hoạt động xây dựng
1. Ðấu thầu rộng rãi được thực hiện để lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình và không hạn chế số lượng nhà thầu tham gia.
2. Bên mời thầu phải thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về điều kiện, thời gian nộp hồ sơ dự thầu.
3. Bên dự thầu chỉ được tham dự khi có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng phù hợp với loại, cấp công trình theo điều kiện thông báo của bên mời thầu.
4. Bên mời thầu phải chịu trách nhiệm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả xét thầu, giá trúng thầu.
Ðiều 100. Ðấu thầu hạn chế trong hoạt động xây dựng
1. Ðấu thầu hạn chế được thực hiện để lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng công trình đối với công trình xây dựng có yêu cầu kỹ thuật cao và chỉ có một số nhà thầu có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng được mời tham gia dự thầu.
2. Ðối với dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình sử dụng vốn nhà nước thì không cho phép 2 doanh nghiệp trở lên thuộc cùng một tổng công ty, tổng công ty với công ty thành viên, công ty mẹ và công ty con, doanh nghiệp liên doanh với một bên góp vốn trong liên doanh cùng tham gia đấu thầu trong một gói thầu.
Ðiều 101. Chỉ định thầu trong hoạt động xây dựng
1. Người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư xây dựng công trình được quyền chỉ định trực tiếp một tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng để thực hiện công việc, công trình với giá hợp lý trong các trường hợp sau đây:
a) Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, công trình tạm;
b) Công trình có tính chất nghiên cứu thử nghiệm;
c) Công việc, công trình, hạng mục công trình xây dựng có quy mô nhỏ, đơn giản theo quy định của Chính phủ;
d) Tu bổ, tôn tạo, phục hồi các công trình di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa;
đ) Các trường hợp đặc biệt khác được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.
2. Người có thẩm quyền chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng.
3. Tổ chức, cá nhân được chỉ định thầu phải có đủ năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng phù hợp với công việc, loại, cấp công trình; có tài chính lành mạnh, minh bạch.
Ðiều 102. Lựa chọn nhà thầu thiết kế kiến trúc công trình xây dựng
1. Việc lựa chọn nhà thầu thiết kế kiến trúc công trình xây dựng được thực hiện đối với các công trình xây dựng quy định tại Ðiều 55 của Luật này.
2. Tác giả của phương án thiết kế kiến trúc được lựa chọn được ưu tiên thực hiện các bước thiết kế tiếp theo khi có đủ điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng, năng lực hành nghề thiết kế xây dựng công trình.
Ðiều 103. Lựa chọn tổng thầu trong hoạt động xây dựng
1. Tùy theo quy mô, tính chất, loại, cấp công trình và những điều kiện cụ thể của dự án đầu tư xây dựng công trình, người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư xây dựng công trình quyết định các hình thức lựa chọn tổng thầu trong hoạt động xây dựng sau đây:
a) Tổng thầu thiết kế thực hiện toàn bộ công việc thiết kế xây dựng công trình;
b) Tổng thầu thi công thực hiện toàn bộ công việc thi công xây dựng công trình;
c) Tổng thầu thực hiện toàn bộ công việc thiết kế và thi công xây dựng công trình;
d) Tổng thầu thực hiện toàn bộ các công việc thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị, thi công xây dựng công trình;
đ) Tổng thầu chìa khóa trao tay thực hiện trọn gói toàn bộ các công việc từ lập dự án đến việc thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị, thi công xây dựng công trình.
2. Nhà thầu độc lập hoặc liên danh dự thầu trong hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng phù hợp với loại, cấp công trình theo quy định của Luật này.
3. Trường hợp áp dụng hình thức tổng thầu quy định tại khoản 1 Ðiều này thì tổng thầu phải cử người có đủ điều kiện năng lực hành nghề xây dựng để điều phối toàn bộ công việc của tổng thầu.
Ðiều 104. Quyền và nghĩa vụ của bên mời thầu
1. Bên mời thầu có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu các bên dự thầu cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho việc lựa chọn nhà thầu;
b) Lựa chọn nhà thầu trúng thầu hoặc hủy bỏ kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Bên mời thầu có các nghĩa vụ sau đây:
a) Lập hồ sơ mời thầu, kế hoạch đấu thầu phù hợp với nội dung của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt;
b) Kiểm tra việc kê khai năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng và tình trạng tài chính của bên dự thầu được lựa chọn;
c) Ðáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn để thực hiện công việc theo tiến độ;
d) Thông báo những yêu cầu cần thiết cho các bên dự thầu và thực hiện đúng các nội dung đã thông báo;
đ) Công bố công khai đơn vị trúng thầu và giá trúng thầu đối với các công trình xây dựng thuộc nguồn vốn nhà nước sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu;
e) Mua bảo hiểm công trình;
g) Bồi thường thiệt hại cho các nhà thầu tham gia dự thầu trong trường hợp do lỗi của mình gây ra;
h) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi dàn xếp thầu, mua, bán thầu, tiết lộ thông tin khi xét thầu hoặc thông đồng với nhà thầu và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đấu thầu;
i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ðiều 105. Quyền và nghĩa vụ của bên dự thầu
1. Bên dự thầu có các quyền sau đây:
a) Tham gia dự thầu độc lập hoặc liên danh với các nhà thầu khác để dự thầu;
b) Yêu cầu cung cấp thông tin, khảo sát hiện trường để lập hồ sơ dự thầu;
c) Khiếu nại, tố cáo khi phát hiện các hành vi vi phạm các quy định về lựa chọn nhà thầu;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Bên dự thầu có các nghĩa vụ sau đây:
a) Lập hồ sơ dự thầu trung thực, chính xác, bảo đảm các yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Ðiều 98 của Luật này;
c) Bồi thường thiệt hại do các hành vi vi phạm của mình gây ra dẫn đến kéo dài đấu thầu hoặc đấu thầu lại;
d) Thực hiện bảo lãnh dự thầu theo quy định;
đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ðiều 106. Trách nhiệm của người quyết định đầu tư xây dựng công trình trong lựa chọn nhà thầu
1. Kiểm tra, xử lý các vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lựa chọn nhà thầu.
2. Ðình chỉ việc lựa chọn nhà thầu, hủy bỏ kết quả lựa chọn nhà thầu khi phát hiện có những vi phạm trong lựa chọn nhà thầu.
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, bồi thường thiệt hại do các quyết định của mình gây ra.

Mục 2

HỢP ĐỒNG TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

Ðiều 107. Hợp đồng trong hoạt động xây dựng
1. Hợp đồng trong hoạt động xây dựng được xác lập cho các công việc lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế công trình, giám sát, thi công xây dựng công trình, quản lý dự án xây dựng công trình và các công việc khác trong hoạt động xây dựng.
2. Hợp đồng trong hoạt động xây dựng được xác lập bằng văn bản phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Tùy theo quy mô, tính chất của công trình, loại công việc, các mối quan hệ của các bên, hợp đồng trong hoạt động xây dựng có thể có nhiều loại với nội dung khác nhau.
Ðiều 108. Nội dung chủ yếu của hợp đồng trong hoạt động xây dựng
Hợp đồng trong hoạt động xây dựng bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Nội dung công việc phải thực hiện;
2. Chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật khác của công việc;
3. Thời gian và tiến độ thực hiện;
4. Ðiều kiện nghiệm thu, bàn giao;
5. Giá cả, phương thức thanh toán;
6. Thời hạn bảo hành;
7. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
8. Các thỏa thuận khác theo từng loại hợp đồng;
9. Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng.
Ðiều 109. Ðiều chỉnh hợp đồng trong hoạt động xây dựng
1. Hợp đồng trong hoạt động xây dựng chỉ được điều chỉnh khi được người quyết định đầu tư cho phép trong các trường hợp sau đây:
a) Khi có sự thay đổi dự án đầu tư xây dựng công trình;
b) Khi Nhà nước thay đổi các chính sách có liên quan;
c) Các trường hợp bất khả kháng.
2. Người cho phép điều chỉnh hợp đồng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình và bồi thường thiệt hại do hậu quả của việc quyết định gây ra.
Ðiều 110. Thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong hoạt động xây dựng
1. Việc thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng phải được ghi trong hợp đồng.
2. Ðối với công trình xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, mức thưởng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng làm lợi, mức phạt không vượt quá 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm. Nguồn tiền thưởng được trích từ phần lợi nhuận do việc sớm đưa công trình bảo đảm chất lượng vào sử dụng, khai thác hoặc từ việc tiết kiệm hợp lý các khoản chi phí để thực hiện hợp đồng.
3. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp hợp đồng trong hoạt động xây dựng, các bên có trách nhiệm thương lượng giải quyết. Trường hợp không đạt được thỏa thuận giữa các bên, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện thông qua hòa giải, Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG VII

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XÂY DỰNG

Ðiều 111. Nội dung quản lý nhà nước về xây dựng
1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển các hoạt động xây dựng.
2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng.
3. Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.
4. Quản lý chất lượng, lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng.
5. Cấp, thu hồi các loại giấy phép trong hoạt động xây dựng.
6. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng.
7. Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ trong hoạt động xây dựng.
8. Ðào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xây dựng.
9. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động xây dựng.
Ðiều 112. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về xây dựng trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về xây dựng.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Xây dựng để thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng.
4. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn theo phân cấp của Chính phủ.
Ðiều 113. Thanh tra xây dựng
1. Thanh tra xây dựng là thanh tra chuyên ngành về xây dựng.
2. Tổ chức và hoạt động của thanh tra xây dựng do Chính phủ quy định.
Ðiều 114. Nhiệm vụ của thanh tra xây dựng
Thanh tra xây dựng có các nhiệm vụ sau đây:
1. Thanh tra việc thực hiện pháp luật về xây dựng;
2. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về xây dựng;
3. Xác minh, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về xây dựng.
Ðiều 115. Quyền và trách nhiệm của thanh tra xây dựng
1. Thanh tra xây dựng có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu và giải trình những vấn đề cần thiết;
b) Yêu cầu giám định những nội dung có liên quan đến chất lượng công trình trong trường hợp cần thiết;
c) Áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật;
d) Lập biên bản thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Thanh tra xây dựng có trách nhiệm:
a) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục thanh tra theo quy định;
b) Xuất trình quyết định thanh tra, thẻ thanh tra viên với đối tượng được thanh tra. Việc thanh tra phải được lập thành biên bản;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình và bồi thường thiệt hại do kết luận sai gây ra;
d) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Ðiều 116. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thanh tra
1. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thanh tra có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu thanh tra viên hoặc đoàn thanh tra giải thích rõ các yêu cầu về thanh tra;
b) Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra của thanh tra viên.
2. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thanh tra có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tạo điều kiện cho đoàn thanh tra, thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ;
b) Cung cấp tài liệu, giải trình các nội dung cần thiết và chấp hành kết luận của thanh tra xây dựng.
Ðiều 117. Quyền khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo; tổ chức có quyền khiếu nại về những hành vi vi phạm quy định của Luật này với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng các cấp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền của mình; trong trường hợp nhận được khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền của mình thì có trách nhiệm chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, tố cáo biết.
Ðiều 118. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Trong thời gian khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện, tổ chức, cá nhân vẫn phải thi hành quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng hoặc quyết định, bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì thi hành theo các quyết định, bản án đó.

CHƯƠNG VIII

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Ðiều 119. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, hoạt động xây dựng thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Ðiều 120. Xử lý vi phạm
1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì phải bồi thường thiệt hại.
2. Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép hoặc sai với giấy phép xây dựng được cấp đối với công trình xây dựng theo quy định phải cấp giấy phép xây dựng thì phải bị phá dỡ toàn bộ hoặc phần vi phạm theo quy định.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Ðiều 121. Xử lý các công trình xây dựng trước khi Luật xây dựng có hiệu lực không phù hợp các quy định của Luật này
Công trình xây dựng trước khi Luật xây dựng có hiệu lực không phù hợp các quy định của Luật này được xử lý như sau:
1. Công trình xây dựng đang tồn tại phù hợp với quy hoạch nhưng chưa phù hợp về kiến trúc được phép tồn tại theo hiện trạng; trường hợp cải tạo, nâng cấp, sửa chữa công trình thì phải tuân theo quy định của Luật này.
2. Công trình xây dựng đang tồn tại nhưng không phù hợp với quy hoạch thì được xử lý như sau:
a) Chủ công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn phù hợp với thời gian thực hiện quy hoạch khi có nhu cầu cải tạo, nâng cấp, sửa chữa;
b) Công trình được chuyển về khu vực đã được quy hoạch thì chủ công trình được đền bù, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
3. Công trình được phép xây dựng tạm có thời hạn nếu có yêu cầu phải di chuyển trước thời hạn thực hiện quy hoạch hoặc trước thời hạn được ghi trong giấy phép xây dựng tạm thì được đền bù theo quy định của pháp luật.
Ðiều 122. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2004.
Ðiều 123. Hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI  

 
                Nguyễn Văn An
CHIA SẺ:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây