XT18 | Khởi công một tổ ấm


Thứ tư - 27/06/2012 01:24

Khởi công một tổ ấm

Phóng lao thì phải theo lao là tình huống của khá nhiều người khi quyết định khởi công xây nhà. Từ một món mà phát sinh thành hai, ba là chuyện thường tình. Thế là khoản ngân sách dự tính ra này thành nợ lớn nợ bé.


Công trình thì không thể dở dang bỏ đấy, cho nên nhà xây xong thì gia chủ lo tối mặt để trả nợ. Theo chia sẻ của những KTS thì có rất nhiều lý do để bạn hoãn lại việc xây nhà. Đầu tiên là giá xây dựng tăng lên trung bình 1,5 lần chỉ trong vòng 1 năm, từ năm 2007 sang năm 2008. Đó là cú sốc thực sự đối với người dân có nhu cầu xây nhà.

Trong khi đó, mọi nguồn thu nhập lại không tăng tương ứng, chưa kể đến việc một số khoản đầu tư còn thua lỗ và hao hụt. Khả năng tiếp cận nguồn vốn vay và khả năng thanh khoản từ các khoản đầu tư khác đều chưa sẵn sàng, không ai sẵn tiền lớn để xây nhà một cách trọn vẹn. Vì vậy tâm lý "có sao ở vậy" là phản ứng chung của mọi người.

Tuy nhiên, đối với các công ty xây dựng hiện đại và chuyên nghiệp thì việc xây dựng sẽ được bàn định lên kế hoạch ngay từ đầu. Theo KTS Phạm Quốc Phong, Công ty xây dựng và thiết kế Nhà Vui thì việc xây nhà trong bất kỳ thời điểm nào vẫn có thể thực hiện một cách chỉn chu nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên thiết kế - thi công và gia chủ.

Xác định ngân sách

Việc xây nhà trong thời điểm này phải căn cứ trên nền tảng đầu tiên là ngân sách. Bạn cần phải xác định yêu cầu sử dụng cơ bản và dự trù ngân sách sơ bộ. Đưa ra các mục tiêu chi tiết trong công trình, ví dụ như bạn muốn có các phần A, B, C, và đồng thời cũng tính đến giới hạn ngân sách. Trên cơ sở đó, việc xác định lại các phần công năng và tiện ích của các phòng như phòng ở, thư viện, bếp...

Các động tác xác định nhu cầu và sở thích, xét các chi tiết về mức độ thỏa mãn trong sinh hoạt mà bạn muốn đạt đến, mức độ cao cấp của công trình cũng như xu hướng và phong cách mà bạn muốn xác lập thông qua công trình nhà ở của mình. Đồng thời, bạn cũng cần xét đến những khả năng của việc mở rộng nâng cấp trong tương lai.

Gặp gỡ tư vấn và đơn vị thi công

Việc gặp gỡ tư vấn tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Song có lẽ cần thiết nhất là bạn phải gặp một đơn vị làm công tác tư vấn kiến trúc để từ đó "bức tranh công trình" của bạn trở nên rõ nét hơn. Bạn cần chuẩn bị những câu hỏi liên quan đến tổng quan công trình, nội ngoại thất và những phần công năng tiện ích phụ trội. Xác định các chỉ tiêu chi tiết và lên kế hoạch cụ thể ở các điểm như quy mô mặt bằng và tầng cao, số lượng phòng ốc và chức năng, kết cấu và vật liệu chính, hạn mức chi tiêu và tiến độ thực hiện.

Không kém quan trọng là việc gặp gỡ với đơn vị tư vấn pháp lý để bạn có thể thực hiện đúng những yêu cầu về mặt pháp lý khi bắt đầu xây dựng công trình như xin giấy phép xây dựng, các yêu cầu về mặt mỹ quan môi trường trong khi xây dựng... cũng như khi có bất kỳ sự cố nào phát sinh. Những thắc mắc về phong thủy, ngày giờ khởi công... bạn cũng có thể tìm hiểu hoặc gặp gỡ tư vấn.

Có 3 loại hợp đồng thi công xây dựng. Đó là hợp đồng thi công phần nhân công, hợp đồng thi công phần nhân công và vật tư thô, hợp đồng nhân công trọn gói. Mỗi dạng hợp dồng này đều có những điểm tiện ích và hạn chế. Bạn cần tìm hiểu rõ để có thể lựa chọn được dạng hợp đồng thi công tối ưu.

Các giải pháp tiết kiệm

Cũng theo KTS Phạm Quốc Phong, bạn có thể xây nhà đẹp mà vẫn tiết kiệm bằng việc xác định quy mô và bố cục tối ưu. Tuyệt đối tránh lối suy nghĩ "nhà to mới đẹp". Xét kỹ công năng sử dụng của từng phòng để tránh lãng phí hoặc áp dụng các biện pháp kết hợp chức năng các phòng, "mượn" không gian giữa các phòng.

Bạn cũng có thể tiết kiệm bằng giải pháp thiết kế thông minh, cụ thể là tăng hệ số sử dụng, giảm thiểu các diện tích phụ. Bố cục không gian kiến trúc đơn giản, chi tiết đơn giản. Đồng thời chú ý các điều kiện khí hậu, môi trường nhằm hạn chế sử dụng vật liệu cách nhiệt, cách âm, máy lạnh.

Việc sử dụng các vật liệu phù hợp cũng giúp bạn giảm nhẹ được ngân sách xây nhà, bạn nên sử dụng các loại vật liệu nhẹ, làm giảm tải trọng công trình, tiết kiệm móng, dùng đúng chức năng của vật liệu, sử dụng vật liệu địa phương để tiết kiệm được các chi phí phát sinh như chuyên chở, hư hao... Lời khuyên của các KTS còn nhấn mạnh ở các điểm như bạn nên thiết kế thi công vào mùa thấp điểm và đặc biệt nên tránh thi công công trình vào mùa mưa bão.

Trên bình diện kinh tế chung thì thị trường xây dựng năm 2009 được dự báo là sự lạm phát về giá vật liệu sẽ không tăng nhiều. Nhưng khả năng thu nhập của số đông là khó khăn. Đồng thời rủi ro về mặt đầu tư vào các lãnh vực kinh doanh vẫn còn cho nên việc đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn nhàn rỗi là hợp lý. Ngược lại nếu bạn đầu tư xây dựng nhà ở với mục đích kinh doanh thì không thật sự hấp dẫn. Ngoài ra còn phải cân nhắc xem xét kỹ tổng giá thành đầu tư công trình sao cho hợp lý, cân đối với các nguồn đầu tư khác của bạn.
CHIA SẺ:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây