XT18 | Quy trình xây nhà


Thứ hai - 24/12/2012 09:20

Quy trình xây nhà

Xây dựng phần thô Thi công phần thô – bao gồm thi công kết cấu chịu lực như móng (chưa bao gồm phần gia cố móng), cột, sàn, mái, kết cấu bao che “tường, vách”, thi công điện nước âm tường… Nên hiểu rằng đây là nội dung quan trọng nhất. Ngôi nhà có thể được sửa chữa, thay đổi vật liệu bề mặt, thiết bị, màu sắc…Nhưng phần thô không thay đổi được, khó thay đổi. Mà phần thô càng chắc, càng chuẩn thì việc điều chỉnh phần hoàn thiện càng dễ dàng thuận lợi.

Chuẩn bị mặt bằng, làm nền móng
 

Từ bước này, công việc sẽ là trách nhiệm của nhà thầu xây dựng, chủ nhà sẽ không cần phải lo toan nhiều, tuy nhiên cũng cần biết rõ về các giai đoạn chủ yếu để có thể kiểm soát được về công việc, chất lượng và thời gian thi công.

Việc chuẩn bị mặt bằng bao gồm việc làm sạch, phát quang mặt đất, giải toả nhà và kết cấu xây dựng cũ, vận chuyển phế thải đổ đi. Sau khi chuẩn bị mặt bằng, đội thợ bắt đầu vào công tác làm nền móng.
Có 3 loại móng cơ bản (móng đơn, móng băng, móng bè). Tùy theo địa chất từng vùng, theo quy mô nhà mà KS kết cấu sẽ thiết kế cho bạn. Nhà ở dân dụng thường sử dụng móng đơn và móng băng. (trong trường hợp đất yếu thì KS sẽ chọn các phương án gia cố móng như đóng cừ tràm, ép cọc, khoan cọc nhồi..)
Việc làm nền bao gồm các công việc: đào đất, hút nước ngầm, đổ đất thừa, be thành đất, gia cố nền (nếu cần thiết). Việc gia cố nền hiện tại có hai hình thức chủ yếu là ép cọc cừ tràm, cọc tre hoặc ép, khoan cọc bê tông.

Cọc tre thường là các đoạn tre dài 2-2,5m, (cọc cừ tràm dài khoảng 4-4.5m), ép bằng búa tạ xuống nền đất với mật độ khoảng 25-30 cọc/m2. Mục đích của việc ép cọc tre, cọc cừ tràm là làm nén chặt phần nền đất dưới chân công trình, tạo một điểm tỳ cho phần móng nhà.

Đối với các khu đất làm trên ao hồ lấp, hoặc nền đất không chân, đất bùn yếu để đảm bảo an toàn, cần thực hiện việc khoan ép cọc bê tông cốt thép. Cọc bê tông cốt thép cho nhà dân thường là loại có tiết diện 200x200 hoặc 250x250, mỗi đoạn dài từ 4-6m, bao gồm đoạn thân và một đoạn mũi cọc.

Các cọc bê tông này thường được đổ sẵn, vận chuyển đến công trường bằng xe tải, sau đó dùng máy ép cẩu lên và ép xuống đất. Có hai loại máy ép cọc là máy ép neo và máy ép tải. Ép neo đạt tải trọng thấp (khoảng 20 - 40 tấn/đầu cọc), phù hợp với các công trình quy mô nhỏ, ép tải đạt tải trọng cao hơn (trên 40 tấn/đầu cọc) phù hợp với các công trình quy mô lớn hơn.

Lưu ý là các loại máy ép thường sử dụng công suất điện 3 pha, nên chủ nhà cần lưu ý chuẩn bị sẵn nguồn điện cho nhà thầu. Khi làm hợp đồng ép cọc bê tông, chủ nhà cần làm rõ với nhà thầu về các thông số cọc như mác bê tông, chủng loại thép,... vì các cọc được đúc sẵn nên dễ bị làm gian dối nhằm mục tiêu trục lợi. Khi vận chuyển cọc đến chân công trình, chủ nhà cần tiến hành kiểm tra tại hiện trường chất lượng của bê tông và thép theo hình thức ngẫu nhiên để tránh trường hợp cọc không đủ tiêu chuẩn làm ảnh hưởng đến chất lượng của công trình xây dựng. Khi ép cọc xuống đất, do địa chất nền đất không đồng đều, nên có chỗ cọc xuống sâu, chỗ xuống nông, nên xảy ra hai tình huống là ép âm và ép dương. Ép âm là ép sâu xuống mặt đất không thấy phần cọc nhô lên mặt đất, Ép dương là thấy phần cọc nhô lên mặt đất.


Cần làm rõ giá cả với nhà thầu trong mỗi tình huống ép âm hoặc ép dương. Chủ nhà cũng cần buộc nhà thầu làm theo các tiêu chuẩn đã quy định cụ thể trong hồ sơ thiết kế nền móng do bên tư vấn xây dựng cung cấp, như chủng loại cọc, vị trí cọc, số lượng cọc, cọc ép thử, ...

Một lưu ý về việc ép cọc bê tông nói riêng và việc làm móng nói chung là các công việc khoan ép vào lòng đất rất dễ gây ảnh hưởng đối với các khu đất và nhà cửa lân cận. Nên thực hiện hướng ép cọc theo chiều sao cho phần đất bị nén đẩy không hướng về bất kỳ nhà cửa hay vật kiến trúc nào. Cụ thể chủ nhà nên tham vấn ý kiến của người có chuyên môn.

Việc làm móng nhà được thực hiện sau khi việc gia cố nền đất hoàn thành. Móng nhà hiện tại thường là móng băng, móng bè hoặc móng cọc. Đối với trường hợp ép cọc bê tông, thì đổ các đài móng để liên kết các đầu cọc, các đài móng lại liên kết với nhau thành một hệ khung vững chắc thông qua các dầm móng. Việc làm móng bao gồm các công việc sau theo thứ tự: đan thép, ghép cốp pha, đổ và đầm bê tông, chờ bê tông ngưng kết, rút cốp pha, xây tường móng. Đây là công việc của nhà thầu, tuy nhiên chủ nhà nên phối hợp với giám sát công trình, theo dõi và chỉ đạo thợ thực hiện theo đúng bản vẽ kỹ thuật.

Thi công phần thô tại một công trình


 

Xây dựng phần khung nhà

Thời điểm kết thúc phần nền móng cũng là thời điểm bắt đầu việc xây dựng phần khung nhà. Khung nhà được hiểu là bao gồm toàn bộ hệ khung kết cấu bê tông cốt thép, cột, dầm, đà, sàn và hệ thống tường bao, tường ngăn chia của nhà. Hiện nay, mặc dù công nghệ xây dựng đã đi khá xa, nhiều loại vật liệu mới ra đời, nhưng bê tông, cốt thép và gạch vẫn là những vật liệu xây dựng chủ yếu và phổ dụng nhất.

Một hệ khung nhà bao giờ cũng bao gồm 5 thành phần chính: cột nhà (để truyền lực xuống đất), dầm nhà (hay đà, dùng để kết nối và truyền lực xuống các đầu cột), bản sàn (hay tấm, được đổ gối lên các hệ dầm, là nơi nâng đỡ các vật thể trong nhà), tường nhà (gồm tường bao và tường ngăn chia, được xây bằng gạch), và cầu thang, là bộ phận kết nối giữa các tầng nhà.

Việc thực hiện xây dựng phần khung nhà cũng như khi làm móng bao gồm các công việc chính là: đan thép, ghép cốp pha, đổ và đầm bê tông, chờ bê tông ngưng kết, rút cốp pha, xây tường. Công việc này không đơn giản nhưng cũng chẳng phức tạp, chỉ cần lưu ý một số điểm chính như sau:

-  Việc đan thép phải theo đúng chỉ định của bản vẽ kết cấu, đúng chủng loại và độ dài của các cấu kiện thép. Khi đan cần lưu ý tránh dẫm lên thép làm xô lệch thép làm giảm sức chịu tải. Nên có các cầu thép đặt lên trên kết cấu khi tiến hành đổ bê tông tránh làm xô lệch thép đan. Nếu đan thép sai thiết kế kết cấu sẽ ảnh hưởng lớn đến công trình: có thể bị sập, nứt, …

-  Việc ghép cốp pha cần thực hiện theo đúng quy chuẩn xây dựng, gỗ cốp pha không được lựa chọn loại gỗ quá kém phẩm chất, có thể bị bục vỡ trong quá trình đổ đầm bê tông. Kết nối các cốp pha thật chặt và gọn gàng. Nếu việc ghép cốp pha không được thực hiện tốt thì bê tông và vữa bị phân tầng, rỗ mặt,…

Chuẩn bị ván khuôn

Chuẩn bị ván khuôn

-  Việc đổ đầm bê tông có thể thực hiện thủ công bằng máy trộn bê tông, cũng có thể thực hiện bằng xe trộn bê tông chuyên dụng, bơm bê tông bằng vòi bơm. Quá trình trộn cần lưu ý đúng tỷ lệ giữa cốt liệu và chất kết dính, sao cho hỗn hợp bê tông đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Khi đầm bê tông lưu ý phải đầm đều tay, không được bỏ sót bất kỳ chỗ nào.

Cấp phối bê tông: Có 3 loại cấp phối cơ bản

  • Bê tông 20 Mpa thường được gọi là Mác 200 dành cho móng, cột, dầm, sàn đối với căn hộ nhỏ cấp 4 và các hạng mục bê tông cần cường độ thấp ít quan trọng.
     
  • Bê tông 25Mpa thường được gọi là Mác 250 dành cho móng, cột, dầm, sàn đối với các căn hộ lớn hơn,có 1 đến 2 tầng và các hạng mục bê tông cần cường độ trung bình.
     
  • Bê tông 30 Mpa thường được gọi là Mác 300 dành cho các căn hộ lớn từ 3 đến 4 tầng và các hạng mục bê tông cần cường độ cao hơn (đối với các nhà từ 4 tầng trở lên nên thử nghiệm cấp phối bê tông trước khi sử dụng)

Cấp phối vữa xây tô:

Khi chúng ta xây tường và tô tường nên dùng 2 cấp phối vữa khác nhau. Cấp phối vữa xây và cấp phối vữa tô.

Cấp phối thích hợp dành cho vữa xây tô:

  • Đối với vữa xây tường, chúng ta nên trộn đúng cấp phối: 1 thùng bê xi măng trộn chung với 4 thùng bê cát hay 1 bao xi măng trộn với 8 thùng bê cát (Mác 100).
     
  • Đối với vữa tô tường, chúng ta nên trộn đúng cấp phối: 1 thùng bê xi măng trộn chung với 5 thùng bê cát hay 1 bao xi măng trộn với 10 thùng bê cát (Mác 75).


Lưu ý: Hỗn hợp được đong đếm bằng thùng có cùng dung tích (Thể tích thùng bê đong là 20 lít).

-  Việc rút cốp pha cần lưu ý sao cho thời gian ngưng kết của bê tông phải đủ ngày, không nên vì tiến độ gấp gáp mà rút cốp pha sớm, gây ra nhiều hư hại, tai nạn sập bê tông đáng tiếc. Rút cốp pha dành cho cột là sau 24h, dầm đà sàn là sau 28 ngày.

-  Việc xây tường cần lưu ý xây làm sao cho thẳng, mạch đều. Trong quá trình xây cần liên tục kiểm tra độ thẳng bằng quả dọi. Vữa xây cần trộn đúng tỷ lệ, đảm bảo độ kết dính và chống nước thẩm thấu qua.
Việc bảo dưỡng bê tông và vữa giai đoạn này là rất quan trọng để có chất lượng tốt nhất cho phần thô.
 

XT18.COM.VN  trân trọng!

lh : thiết kế xin phép xây dựng thi công công trình

Văn Phòng Giao Dịch 1: 288/92 Huỳnh Văn Luỹ  - Thị Xã Thủ Đầu Một  - TP Bình Dương

Văn Phòng Giao Dịch 2: 244 Trần Văn Ơn -  Phú Hòa - Thị Xã Thủ Đầu Một  - TP Bình Dương

Văn Phòng Giao Dịch 3: đường DA 1-1  - Mỹ Phước 2 -  Bến Cát -  TP Bình Dương

Hotline : 0949. 319. 769 -  Ks:  XUÂN THỦY

Email: phamxuanthuy_2000@yahoo.com

Website:  XT18.COM.VN

 

CHIA SẺ:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây