XT18 | Cô bé 11 tuổi nuôi 5 em nhỏ ăn học


Thứ tư - 12/06/2013 07:14

Cô bé 11 tuổi nuôi 5 em nhỏ ăn học

- Mới 11 tuổi nhưng em Sùng Thị Dợ, học sinh lớp 6A Trường THCS Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã phải thay bố mẹ chăm sóc nuôi 3 em và 2 cháu nhỏ ăn học. Trong túp lều nhỏ được dựng lên từ tre nứa, 6 chị em tự chăm sóc nhau. >> Cảm phục cô bé 10 tuổi “ở riêng” nuôi em ăn học

 

Sùng Thị Dợ là học sinh người dân tộc Mông, thuộc bản Sa Lung, xã Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Sinh ra trong một gia đình có tới 9 anh chị em, Dợ là con thứ 5 trong gia đình. Ngay từ khi còn nhỏ, Dợ đã ước ao lớn lên được đi học chữ để không phải làm nương, làm rẫy vất vả khổ cực như những anh chị của mình.

 

Em Sùng Thị Dợ (áo hồng bìa phải) cùng 5 em nhỏ trong căn lều trọ học ở Trường THCS Mường Lý.
Em Sùng Thị Dợ (áo hồng bìa phải) cùng 5 em nhỏ trong căn lều trọ học ở Trường THCS Mường Lý.

 

 

Quyết tâm theo học chữ bằng được, dù nhà xa trường hơn 7km nhưng 6 năm qua, chưa bao giờ Dợ có ý định bỏ học. Dợ tâm sự: “Nhà nghèo lắm, bố mẹ và anh chị làm nương vất vả lắm. Ngày trước nhà ở bản Muống 1 nhưng mới đến bản Sa Lung để làm nương, em ở lại trường đi học. Phải gắng học chữ thật giỏi, chứ không muốn làm nương vất vả lắm”.

 

Anh chị của Dợ đều phải sớm theo bố mẹ đi làm nương không ai biết đến cái chữ. “Hai anh đầu thì lấy vợ rồi đi làm nương, còn hai chị gái cũng làm nương và đi chăm bò chứ không được đi học giống như em đâu. Em muốn đi học để về dạy chữ cho anh chị em của em”, Dợ hồn nhiên nói.

 

Với dáng người nhỏ nhắn, Dợ đã làm cho nhiều thầy cô và các bạn học sinh Trường THCS Mường Lý phải khâm phục về sự ham học và gắng vươn lên trong học tập. Điều khiến mọi người cảm phục là mới 11 tuổi, xa gia đình nhưng Dợ lại một mình nuôi 5 em nhỏ (gồm 3 em ruột và 2 cháu là con anh chị của Dợ) trong một túp lều nhỏ. Năm em nhỏ mà Dợ đang chăm nuôi gồm 3 em ruột: Sùng A Phương (4 tuổi), Sùng Thị Pà và Sùng Thị Du (5 tuổi, sinh đôi) và 2 cháu: Sùng Thị Sùng (5 tuổi), Sùng A Cháng (4 tuổi).

 

Mới 11 tuổi, nhưng em Sùng Thị Dợ (áo hồng) đã phải vừa học vừa lo chăm sóc 5 em nhỏ.
Mới 11 tuổi, nhưng em Sùng Thị Dợ (áo hồng) đã phải vừa học vừa lo chăm sóc 5 em nhỏ.
 
“Em lớn nhất nên phải chăm nuôi các em, các cháu. Bố mẹ em với anh chị giao cho em nuôi các em, các cháu để gắng học lấy con chữ khỏi phải đi làm nương. Xa nhà nên mấy chị em phải tự chăm nuôi lấy nhau”, em Dợ chia sẻ.

 

Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp Dợ phải làm tất cả các công việc như đi chợ, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo, tắm rửa cho các em và các cháu. Mỗi ngày, Dợ phải thức dậy rất sớm để lo làm những việc cần thiết như giặt quần áo, đi lấy nước, đánh thức các em dậy để chuẩn bị lên lớp. Sau đó, Dợ lại bắt đầu đi chợ, mua con cá, mớ rau hay đi hái rau rừng về lo nấu cơm bữa cơm trưa. Buổi chiều, em lên lớp học rồi lại lo về để chuẩn bị buổi chiều cho các em.

 

Một mình phải vất vả lo cho các em, các cháu công việc tưởng chừng như rất khó khăn này giờ đã trở thành quen thuộc đối với Dợ. Mỗi lúc có thời gian rảnh rỗi, hay được nghỉ học ở nhà Dợ lại mang sách vở ra để dạy cho các em các cháu lo học chữ. 11 tuổi Dợ đã phải đảm nhiệm hết tất cả công việc của một người mẹ, người chị, rồi cả việc làm cô giáo dạy chữ cho các em của mình.

Công việc hàng ngày của Dợ là lấy nước, đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, tắm rửa… cho 5 em nhỏ.
Công việc hàng ngày của Dợ là lấy nước, đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, tắm rửa… cho 5 em nhỏ.

 

 

Đi học xa nhà nên Dợ được nhà trường sắp sếp cho chỗ ở trong khu kí túc xá của trường nhưng vì phải lo cho các em, các cháu nên Dợ phải ra ở lều thường xuyên để tiện cho việc chăm sóc các em các cháu. Nhà cách xa trường nên lâu lâu mấy chị em, cô cháu mới được về thăm nhà một lần. Bình thường thì tháng được về hai lần nhưng cũng có khi cả tháng không được về nhà. Đường xa nếu muốn về nhà thì phải có người nhà xuống đón mới được về không thì phải ở lại lều.

 

Tháng nào không về được thì người nhà đem tiền và gạo xuống trường cho Dợ để có tiền chăm lo cho các em các cháu. Cuộc sống trọ học của cô học trò nhỏ gặp rất nhiều khó khăn khi gia đình không có nhiều tiền để cho em.

 

“Khi nào hết tiền mua thức ăn thì đi hái rau rừng về ăn. Gạo đủ ăn được chứ tiền thì chẳng có tháng nào đủ cả. Phải đi chợ mua rau, mua muối, mua nhiều thứ lắm, rồi cả tiền để mua bút sách vở nữa. Hết tiền thì chị em chỉ ăn cơm không với muối thôi”, Dợ cho biết

 

Không chỉ chăm lo tốt cho các em mà Dợ cũng chăm ngoan và học giỏi. Hiện Dợ là lớp trưởng của lớp 6A. Theo như lời của thầy giáo Hoàng Trọng An, chủ nhiệm lớp 6A Trường THCS Mường Lý nhận xét thì trong số 44 học sinh của lớp thì Dợ rất nhanh nhẹn, cần cù chăm chỉ siêng năng.

 

“Em Dợ là một học sinh chăm ngoan học tốt, dù phải chăm lo cho các em ngoài giờ lên lớp nhưng em Dợ vẫn luôn cố gắng vươn lên. Trong lớp Dợ học không thua kém so với các em khác. Đặc biệt, em Dợ có sự nhanh nhẹn trong tiếp thu bài học và học hơn các học sinh khác trong môn Toán và Tiếng Anh”, thầy An chia sẻ.

 

Công việc hàng ngày của Dợ là lấy nước, đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, tắm rửa… cho 5 em nhỏ.
Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, Dợ lại mang sách vở ra học bài và dạy chữ cho các em các cháu trong túp lều.

 

Thầy An cho biết thêm: “Mới đây em Dợ được nhận học bổng Để em không phải bỏ học với số tiền hơn 2 triệu đồng. Số tiền này đã khích lệ cho em Dợ rất nhiều, nhận được số tiền trên em Dợ rất vui mừng và đã để dành tiết kiệm phục vụ cho công việc học tập của mình. Mỗi tháng mỗi tuần chỉ lấy một ít để trang trải cho việc học tập”.

 

Thầy giáo Nguyễn Văn Hà - Hiệu phó Trường THCS Mường Lý nhận xét: “Trường hợp như em Dợ là vô cùng đặc biệt và là học sinh duy nhất ở đây. Mới 11 tuổi phải trọ học xa nhà nhưng một mình phải nuôi 5 em nhỏ, ở trong lều tranh vách nứa. Ngoài việc phải lo học tập cho mình, em Dợ còn phải đảm nhiệm công việc chăm sóc, lo lắng cho các em. Nhà trường cũng dành cho em sự qua tâm đặc biệt, mỗi khi có sự giúp đỡ gì đều dành hỗ trợ cho trường hợp em Dợ”.

 


Tác giả: Thái Bá - Duy Tuyên

Nguồn tin: Dân trí

CHIA SẺ:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây