Thông tin liên hệ
- 0949 319 769
- thuyhungphat68@gmail.com
Chẳng có gì lạ khi nhiều người có thể tự tin nói chuyện trước đám đông một cách vui vẻ, thoải mái trong khi số khác lại toát mồ hôi và cảm thấy vô cùng hồi hộp mỗi khi phải thực hiện công việc đó. Nhiều người có thể miệt mài trong phòng thí nghiệm suốt nhiều năm trời hay ngồi lì bên màn hình vi tính nhiều giờ liền trong khi số khác chỉ thích tham gia các hoạt động xã hội hay những công việc mang tính chất giao tiếp.
Hãy tìm hiểu xem sở thích của mình là gì và chọn cho mình một công việc phù hợp, bạn sẽ thấy hài lòng với mình hơn và dễ thành công hơn trong cuộc sống.
******
Ngày nào cũng có ít nhất một khách hàng gây khó dễ, thậm chí có người còn tỏ vẻ coi thường công việc của ông, vậy nhưng bác phó nhòm Jean Deer vẫn yêu thích cái nghề đi chụp và lưu giữ hình ảnh của người khác.
Jean đã chụp hàng trăm bức ảnh chân dung cho trẻ con, ông luôn biết cách làm cho một đứa trẻ cười trước ống kính và ông được đánh giá là một trong những bác phó nhòm nổi tiếng. “Sau khi chụp ảnh xong, kể cả tôi, đứa bé lẫn cha mẹ nó đều mệt nhoài, nhưng thường đó là lần chụp thành công” – Ông tâm sự.
Jean phát hiện ra rằng không chỉ bức ảnh của những đứa bé cười thật dễ thương mới là những bức ảnh đẹp, mà một đứa trẻ cáu gắt cũng có thể mang đến cho ông nguồn cảm hứng để cho ra những bức ảnh tuyệt vời. “Có lần tôi nhận lời chụp hình cho một đứa bé mới chập chững biết đi. Nó chẳng thèm để ý gì đến tôi mà chỉ nhìn chăm chăm xuống sàn nhà. Tôi buộc phải bò xuống cùng với nó và thật lạ là bức ảnh mà tôi chụp đứa bé trong tư thế thật khó như thế nhưng quả thật lại là một tác phẩm tuyệt vời” – Jean hào hứng kể.
Jean cho rằng công việc này đòi hỏi hai yếu tố: “Không phải cứ treo bảng hiệu là bạn có thể trở thành một nhà nhiếp ảnh. Bạn phải thực sự yêu thích công việc của một nhiếp ảnh gia và say mê với nó thì mới có thể thành công được”.
********
Một cô gái trẻ thông minh, giỏi văn và có nhiều tư chất đã từng có ước mơ sau này sẽ làm công việc gì liên quan đến văn chương, viết lách. Nhưng khi tốt nghiệp phổ thông, cô nghe theo bạn bè nên quyết định thi vào làm tiếp viên hàng không. Vì lúc đó ai cũng nói đó là một nghề của “xã hội thượng lưu”, “thướt tha đi mây về gió”.
Chỉ sau hai năm làm tiếp viên phục vụ hành khách ở tuyến bay quốc tế, cô nhận ra những gì trước kia là mới lạ với cô thì bây giờ không còn nữa. Mỗi một chuyến bay, dù đi đến đâu chăng nữa thì cô cũng phải làm những công việc lặp đi lặp lại mà cô đã quá quen thuộc như hướng dẫn an toàn cho hành khách, phục vụ bữa ăn cho họ… Công việc đó không có gì đáng phàn nàn nhưng không có gì sáng tạo như cô hằng mong muốn.
Dù cố gắng tìm niềm vui trong mỗi chuyến bay nhưng cô vẫn nhận ra công việc này có thể thích hợp với những người khác, còn với cô thì không. Cô quyết định nghỉ để luyện thi và sau đó đã đậu hai trường: đại học ngoại ngữ và đại học báo chí – là hai ngành mà cô thích nhất. Với quyết tâm cao, cô đã thu xếp thời gian để học cả hai trường cùng một lúc như để bù lại thời gian làm tiếp viên hàng không.
Và giờ đây cô đã là một phóng viên đầy kinh nghiệm của một tờ báo lớn. Cô say mê và rất nhạy cảm trong những vấn đề xã hội và số phận của con người. Các bài phóng sự, bài viết bằng tất cả tâm huyết của cô luôn cuốn hút độc giả và chiếm được sự quan tâm của xã hội. Các bài báo của cô giờ đã được tập hợp in thành sách để làm tài liệu tham khảo giảng dạy ở trường đại học báo chí. Thỉnh thoảng cô lại đi công tác trên các chuyến bay, nhìn những tiếp viên hàng không phục vụ, cô chợt nhớ lại mình những năm về trước và thầm cảm ơn quyết định thay đổi nghề lúc ấy của mình.
Tác giả: YẾN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn:
Những tin cũ hơn: