XT18 | Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công


Thứ năm - 31/05/2012 08:46

Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công

Lại một mùa Tốt nghiệp, Đại học nữa lại đến. Năm ngoái, tôi cũng từng trải qua cảm giác này nhưng không căng thẳng như các em 96 đã chia sẻ vì với mình, đỗ Đại học tuy quan trọng thật đấy, nó quyết định tương lai của bạn, nghề nghiệp của bạn có thuận lợi hay không nhưng nó không phải là tất cả. Bản thân chúng ta chỉ có một nhưng con đường tương lai thì vô vàn chứ không phải duy nhất một cánh cổng Đại học

. Hẳn là các em đã từng nghe câu: “Đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công”. Đúng thế, quan trọng nhất là sức khỏe chúng ta, các em hãy giữ gìn sức khỏe thật tốt, vì chỉ có vậy mới học tập tốt, làm việc tốt và có một cuộc sống tốt như các em hằng mong đợi.

Đa số những gì chúng ta học trên ghế nhà trường là những kiến thức hàn lâm, sách vở, có thứ có ích nhưng có thứ thì không áp dụng được vào thực tế nếu chúng ta không đi ra bên ngoài và trải nghiệm cuộc sống. Cuộc sống không có sách vở thì không thể được nhưng sách vở chỉ là những con chữ, con số vô nghĩa nếu chúng ta chỉ học mà không làm. Muốn thành công có nhiều cách hơn chúng ta tưởng. Vậy thế nào là thành công? Thành công không phải là cực kì giàu có, thành công không chỉ như vậy và cũng không nhất thiết phải như vậy. Thành công là khi chúng ta làm những thứ bằng sức lao động và trí óc của mình để đạt được mong muốn. Như vậy là thành công.

Tại sao lại đặt nặng tư tưởng vào một tấm bằng Đại học? Nó chỉ như một giấy chứng nhận về khả năng tiếp thu kiến thức nghề nghiệp để áp dụng trong tương lai. Các công ty có thể cần hoặc không cần một nhân viên có bằng Đại học, nhưng nó vẫn là một công cụ đắc lực của chúng ta. Không vì thế thì làm sao nhiều người phải kỳ công đi học như vậy được. Nhưng có những người không cần tấm bằng Đại học, chỉ cần tốt nghiệp cấp 3 hoặc thậm chí cấp 2, họ tin tưởng vào lý tưởng của mình và đi theo con đường riêng của họ. Họ lao đầu vào kinh doanh, thất bại liên tục nhưng không hề nản chí, có thể hàng chục năm sau họ mới có thể đạt thành công nhưng dù sao thì cuối cùng họ vẫn thành công.

Như Bill Gates – nhà sáng lập tập đoàn phần mềm máy tính lớn nhất thế giới Microsoft hay Mark Zerkebergge – nhà sáng lập mạng xã hội nổi tiếng Facebook, rồi Einstein – vị bác học vĩ đại nhất thế giới cũng từng bị đuổi ra khỏi trường Đại học. Điển hình, ở Việt Nam có ông Đoàn Nguyên Đức – chủ tịch công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cũng từng trượt Đại học. Ông nhận ra rằng, có nhiều con đường để dẫn đến thành công. “Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”.

Không có bằng Đại học, có thể họ rất khổ cực để thành công. Nhưng đó là lựa chọn của họ và họ yêu công việc của họ. Có thể kể đến những nông dân làm giàu từ sự cần cù và tinh thần ham học hỏi, có thể họ không có kiến thức hàn lâm nhưng kiến thức thực tế mà họ trải nghiệm còn quý giá gấp nhiều lần.

Tôi không tự tin là mình có thể làm được như họ – những người vĩ đại, thiên tài, xuất chúng, nhưng ngoài kia có biết bao thanh niên trẻ bước ra khỏi vòng tay bố mẹ, hùng hồn tuyên bố con sẽ không học Đại học, con sẽ kinh doanh, con sẽ tự thân vận động, khi con cần bố mẹ sẽ giúp nhưng con sẽ vẫn là người chịu trách nhiệm về cuộc đời mình… Những người như vậy, họ không cần học Đại học. Vâng, bạn có thể nói là không có kiến thức cơ bản thì làm sao làm được nghề? Có thể họ không có kiến thức nhưng kiến thức con người từ đâu ra? Vâng, chính là từ kinh nghiệm, từ những thất bại, vấp ngã của chính họ, họ đứng lên và trưởng thành hơn gấp nhiều lần. Với tôi, bạn không thể bắt tôi làm như họ được, tôi muốn học Đại học không chỉ vì công việc mà vì đó là sở thích ham học hỏi của tôi, tôi không muốn ra khỏi trường bây giờ, không phải tôi tự ti về bản thân mà tôi nghĩ tôi chưa sẵn sàng cho cuộc sống. Họ mạnh mẽ hơn tôi, vững vàng hơn tôi, và họ làm được. Còn tôi, đương nhiên tôi cũng sẽ làm được. Và tấm bằng Đại học của tôi không phải là vô ích khi tôi biết học hỏi từ mọi người xung quanh, biết ứng dụng những kiến thức vào thực tiễn, để sách vở không phải là vô ích.

Có những người chưa trưởng thành, chưa xác định mục tiêu sống của mình, họ cũng có thể bước vào trường Đại học và rồi thất vọng vì không yêu thích các môn học trong trường, thi lại trường khác cũng như thế. Và rồi cuối cùng, họ ra trường với một tấm bằng Đại học bậc trung, khó có khả năng xin được việc chứ đừng nói đến thành công. Nhưng tôi không nói họ sẽ không thành công. Xã hội sẽ tôi luyện họ, từ một sinh viên mới ra trường, họ lăn xả vào thương trường, hun đúc con người họ trở nên rắn rỏi hơn. Vài năm không xin được việc là chuyện bình thường, nhưng đừng nản chí. Những thất bại sẽ là bài học và ít ra cuối cùng họ cũng rút được kinh nghiệm và rồi đi đến thành công. Tôi nhắc lại, thành công không chỉ là giàu có, nhà cửa, xe hơi, vàng bạc mà là đạt được những gì mình muốn.

Các bạn hãy thử nghĩ xem, một trường có khoảng trên 50.000 hồ sơ thi mà chỉ tiêu của trường chỉ có 2000. Vậy phải chăng gần 50.000 thí sinh thất vọng? Tôi hiểu nhóm thực hiện muốn động viên các bạn thí sinh thi Đại học không đỗ. Tôi nghĩ rằng Đại học là cánh cửa vào đời và dẫn tới một sự nghiệp thành công cũng có phần đúng, nhưng không phải là tất cả. Không phải tất cả các sếp ở các doanh nghiệp đều học Đại học ngay từ đầu, không phải các trưởng nhóm đều có bằng Đại học… Hơn nữa, bây giờ điều kiện học tiếp lên bậc cao hơn cực kỳ mở. Nếu các bạn chưa đỗ Đại học, các bạn có thể chọn một bậc học thấp hơn, sau này có điều kiện sẽ đi học tiếp cũng không sao mà. Hoặc các bạn có thể chọn một nghề nào đó cũng được. Tôi có người anh chỉ học Trung cấp, bây giờ đã hoàn thành chương trình Đại học và là kỹ sư trưởng của một tập đoàn lớn, một người khác khởi đầu là học công nhân, bây giờ đã có bằng Tiến sĩ và là sếp đứng đầu của một cơ quan, một người thầy khác cũng từ Trung cấp mà bây giờ đã là Giáo sư đầu ngành.

Tấm bằng Đại học có thể là công cụ nhanh nhất đến với thành công nhưng chưa chắc với một tấm bằng đẹp như mơ bạn có thể xin vào được vị trí đẹp. Bạn đang phản đối tôi đấy ư? Tại sao ư? Vâng, có một số Công ty rất xem trọng bằng Đại học nhưng một số còn lại thì không, họ phỏng vấn tuyển nhân viên qua cách họ ứng xử và kiến thức xã hội, cách giao tiếp tốt chứ thậm chí không thèm nhìn vào tấm bằng Đại học của bạn. Vậy chắc bạn nghĩ tôi khuyên bạn đừng học Đại học nữa mà vào trường đời luôn phải không. Không phải. Ý tôi là học Đại học rất tốt nhưng ngoài học trên trường ra, bạn còn phải biết đi ra xã hội, năng nổ hoạt động, giao tiếp xã hội, học hỏi kinh nghiệm từ tiền bối hay bạn bè, sẽ có nhiều kiến thức nghề nghiệp mà chính những môn học sẽ không dạy bạn đâu mà chính là những con người ngoài kia đấy.

Muốn thành công thì hãy khôn ngoan, không phải là thích gì làm nấy mà là trước khi hành động phải suy nghĩ cho kĩ. Trước khi nói với bố mẹ là mình sẽ không học Đại học, hãy xác định bạn sẽ làm gì, nghề gì, như thế nào, có kĩ năng, kiến thức cơ bản hay chưa thì mới ra quyết định nhé! Chính Bill Gates khi còn nhỏ là một cậu bé giỏi điện máy trong khi bố mẹ cho cậu vào học Harvard với hi vọng cậu trở thành bác sĩ, nhưng cuối cùng với khả năng máy móc và bộ óc thông minh, Bill Gates đã chẳng cần tấm bằng Đại học, cử nhân gì mà trở thành tỷ phú nổi tiếng thế giới. Đương nhiên, tôi không phải Bill Gates, bạn cũng vậy, tôi không phải thiên tài nhưng chúng ta đều có thể là thiên tài. Cánh cổng thành công không chỉ mở cửa cho những cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ mà còn rất rộng đường cho những người biết ước mơ và nghị lực. Bạn thành công là khi bạn có sở trường và niềm đam mê với nó.

Như vậy, nếu các bạn chưa thi đỗ Đại học thì cánh cửa cuộc đời đâu phải đã khép lại. Các bạn hãy tự tin, bằng nhiều con đường đi tới thành công nhé!

Nguồn tin: sưu tầm

CHIA SẺ:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây