Thông tin liên hệ
- 0949 319 769
- thuyhungphat68@gmail.com
Đừng xây dựng uy tín bằng sự giả tạo
* Theo bà, doanh nhân nữ cần có những phẩm chất gì?
- Giống như lãnh đạo nói chung, nữ lãnh đạo DN trước hết phải có năng lực. Năng lực đầu tiên phải có là hiểu về lĩnh vực kinh doanh của mình, hiểu những điểm mạnh, yếu, cơ hội, thách thức của DN, của đội ngũ làm việc với mình để có chiến lược đúng đắn.
Nếu như không có năng lực thì dù có được ai đó "đưa đẩy", "đặt" mình lên thì cũng khó có thể thành công. Nếu tự huyễn hoặc, ảo tưởng rằng mình được ngồi lên ghế lãnh đạo tức là mình có tài thì sự ngạo mạn đó sẽ giết chết mình ngay từ phút ban đầu.
Thứ hai là phải hiểu về thương trường với những quy luật vận hành của nó, phải thường xuyên nắm bắt thông tin từ đó có những quyết định đúng đắn, khôn ngoan để dắt dẫn DN. Chỉ cần một quyết định sai của người lãnh đạo là DN có thể phá sản như chơi. Quyết định đúng thì có thể đưa DN ngày càng phát đạt.
Thứ ba là cần có tính sáng tạo. Thương trường thay đổi liên tục, ngày hôm qua mình thành công nhưng chưa chắc ngày mai, ngày kia đã như vậy. Cho nên phải luôn luôn sáng tạo để vận động, tìm tòi cái mới, để làm tốt hơn, hiệu quả hơn, để thích ứng với sự thay đổi đang hoặc sẽ diễn ra quanh ta.
Thứ tư là phải biết nghe, biết khai thác năng lực của những người cùng làm việc với mình và cả của những người khác bên ngoài DN, để biến năng lực của họ thành nguồn lực của mình, bổ sung cho năng lực hữu hạn của mình.
* Theo bà, đối với một người lãnh đạo, chuyện bằng cấp có quan trọng không ?
Bà Phạm Chi Lan |
- Bằng cấp chỉ như một thứ phấn son thôi, khi không có kiến thức, năng lực tương ứng. Năng lực vẫn là cái quan trọng nhất mà khi tiếp xúc, làm việc người ta có thể cảm nhận, đánh giá được ngay. Uy tín được tạo dựng từ bằng cấp giả dối không phải là uy tín thật. Muốn người khác đi theo sự lãnh đạo của mình, phải đủ kiến thức, thực lực để họ tôn trọng và công nhận trình độ của mình.
Hiện nay có một điều không hay trong xã hội là quá coi trọng bằng cấp mà không coi trọng thực học, và do vậy tình trạng bằng giả quá nhiều. Nó khiến nhiều người chạy theo bằng cấp để lấy danh, lấy ghế chứ không học thực. Nó có thể đánh lừa được thiên hạ trong một giai đoạn nhất định nhưng không thể mãi mãi được. Những người làm việc với DN luôn cần thực chất của người lãnh đạo DN đó, cũng như họ cần năng lực thực sự của DN.
Càng có học vấn, càng tự tin hơn
* Có người nhận định là phụ nữ Việt Nam không tự tin và không năng động bằng phụ nữ nước ngoài. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Cái đó cũng có phần đúng và phải khắc phục. Tự ti thì khó làm kinh doanh và khó làm lãnh đạo DN. Phải tự tin thì mới quyết đoán được, mà lãnh đạo DN rất cần tính quyết đoán.
Vấn đề tự tin hay tự ti nhiều khi là tâm lý hơn là thể hiện năng lực. Thực ra bản thân những người đứng ra lập hoặc lãnh đạo DN, tuyển người, xông pha trên thương trường... đã phải có một sự tự tin nhất định rồi.
Doanh nhân nữ Việt Nam có một số người khi cạnh tranh, làm ăn với các đối tác nước ngoài hay trong các hội nghị quốc tế, gặp gỡ tiếp xúc chung, thường thiếu chủ động, thiếu sự mạnh mẽ. Nhưng theo tôi, đó không hẳn là tự ti mà là sự dè dặt ban đầu. Đây là bản tính chung của phụ nữ Việt Nam, muốn lắng nghe để hiểu vấn đề trước khi lên tiếng nhưng đôi khi hơi khiêm nhường, hiền lành quá. Nhiều chị em đã khắc phục được tình trạng này. Càng có học vấn, có thực lực thì sẽ càng vỡ ra nhanh hơn, hiểu vấn đề sâu hơn và tự tin hơn.
* Theo bà, một doanh nhân nữ cần chú ý những gì ?
- Môi trường kinh doanh ở Việt Nam khó khăn hơn các nước khác, nên làm kinh doanh ở ta vất vả hơn nhiều. Phụ nữ làm kinh doanh lại càng vất vả hơn. Dù lãnh đạo một DN nhỏ chỉ có mươi người thì cũng vẫn là trách nhiệm về sự sống còn của một đơn vị kinh doanh. Đã làm kinh doanh hay bất kỳ công việc gì muốn làm thật tốt cũng cần có sự dấn thân. Mình đã chọn công việc đó, thì dẫu có vất vả cũng phải chấp nhận và dám đương đầu. Đặc biệt, ngoài sự ủng hộ trong công ty, nữ doanh nhân còn rất cần có được sự ủng hộ của gia đình. Muốn vậy, cần quan tâm thực sự tới người khác và đừng quên vị trí của mình trong gia đình.
* Rất nhiều doanh nhân nữ trọn vẹn cả đôi đường sự nghiệp và gia đình. Song cũng không hiếm người đánh mất sự cân bằng trong cuộc sống gia đình. Bà có điều gì có thể chia sẻ với các doanh nhân nữ?
- Đừng bao giờ vội vã trách rằng khi mình thành công chồng mình thay đổi thái độ, mà trước tiên phải tự xét xem mình có cư xử đúng mức không, có những lúc nào đó mình vô tình hay cố ý khiến ông chồng cảm thấy không được tôn trọng, không được quan tâm không.
Đối với chồng con, bao giờ người phụ nữ cũng phải quan tâm thật lòng và cả sự nhạy cảm. Càng thành công, càng phải tự ý thức hơn về điều đó. Dù có chênh lệch về trình độ, về thu nhập hay bất cứ điều gì, nhưng đã là trong gia đình thì luôn cần có sự thương yêu, quan tâm và tôn trọng lẫn nhau. Ngay cả khi công việc của mình thành công hơn chồng, hay lương bổng của mình cao hơn chồng, cũng đừng bao giờ kiêu ngạo.
Mà nói chung không nên kiêu ngạo với ai cả. Trong gia đình hay ngoài đời cũng vậy. Quan trọng nhất là phải biết mình biết người, thấy những người hơn mình để học tập. Có những người ở vị trí thấp hơn mình nhưng không có nghĩa là người ta thua kém mình về năng lực. Người lãnh đạo giỏi là người biết nhìn nhận, quý trọng và phát huy cái tài của người khác. Mặt khác, thành công của một cá nhân luôn có sự đóng góp của nhiều yếu tố chứ không phải là chiến tích của riêng mình để ngạo mạn với người khác. Lúc mình nghĩ mình ở đỉnh của thành công, mình trên tài mọi người chắc chắn đó là lúc mình không thể thành công được nữa hoặc sẽ mất đi tất cả những cân bằng khác vô cùng quan trọng trong cuộc sống.
Nguồn tin: VNN-TT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn:
Những tin cũ hơn: