TẦM NHÌN MỚI

Thứ bảy - 02/08/2014 00:12
Trong thời đại toàn cầu hoá, tất cả các nước đều ra sức tăng tốc trên bước đường phát triển, vì vậy chúng ta chỉ có thể bứt phá đi lên để đi tắt đón đầu bằng động lực mới do tư duy mới tạo ra. Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản trong báo cáo Thủ tướng về việc triển khai Nghị quyết 14 về đổi mới toàn diện giáo dục đại học. Lãnh đạo Bộ đã tỏ rõ dũng khí, vượt qua chính mình để đi đến một quyết định đột phá trong đổi mới tư duy quản lý rất hợp tình hợp lý, đúng với ước mong từ lâu của các trường.
 Quản lý nhà nước là quản lý theo luật chứ nào phải quản lý theo kiểu “chăn dắt, xin-cho”. Thực tế việc mở rộng quyền tự chủ cho hai đại học quốc gia ở Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ tạo điều kiện để cả hai trường phát triển tốt hơn, mạnh dạn hơn chứ không có bất cứ điều bất lợi hay trở ngại gì.
Không có gì lạ, khi tư duy mới gặp phải phản ứng từ những ai đã quen với uy quyền và lợi ích có được từ cơ chế quản lý cũ, nhất là khi cái mới đó, nếu được thực thi, sẽ tạo ra một dư chấn ngầm đáng sợ lan toả đến các bộ khác. Điều đáng ngạc nhiên là có cả một số cán bộ lãnh đạo các trường nào đó, lại tỏ ý lo ngại việc bỏ cơ chế bộ chủ quản sẽ tạo ra nhiều tiêu cực. Xem ra, dù biết rằng bị trói buộc thì không thể bứt phá đi lên theo năng lực của mình, nhưng cũng có người vì quá quen thuộc và thích nghi với sợi dây trói đến mức không yên tâm khi đối diện với quyền tự chủ và trách nhiệm đi kèm theo đó. Tất nhiên là việc thay đổi cách nghĩ, cách làm đã thành thói quen từ hàng chục năm qua cần phải có bước đi thích hợp để không gây ra sự lúng túng của cả Bộ và trường, nhưng không có gì phải băn khoăn về một việc cần làm đã trở thành hiển nhiên đã được kiểm chứng từ thực tiễn hàng trăm năm ở nhiều nước khác. Hệ thống giáo dục – đào tạo của họ chẳng những không hề bị lũng đoạn vì quyền tự chủ cao của các trường đại học, mà ngược lại, tạo ra môi trường năng động, sáng tạo, nhanh chóng tiếp thu những kinh nghiệm tốt nhất ở trong và ngoài nước, vừa học hỏi nhau vừa cạnh tranh với nhau để đáp ứng tốt hơn yêu cầu không ngừng được nâng cao của thời đại. Chính vì vậy mà khi bàn đến vấn đề xây dựng trường đại học tầm cỡ quốc tế thì điều kiện đầu tiên được đặt ra là quyền tự chủ của trường. Mặc dù chúng ta vui mừng trước sự phát triển vượt bậc về số lượng, nhưng theo cách làm cũ, mãi đến nay chưa từng có tên trường đại học nào của nước ta xuất hiện trên bản đồ giáo dục đại học chất lượng cao của khu vực và thế giới.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với “Dự thảo quyết định của Thủ tướng về các qui định, tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư”. Theo dự thảo đó, khâu bổ nhiệm hai chức danh nói trên sẽ giao cho các đại học thực hiện. Một số người lo rằng điều đó sẽ dẫn đến sự lạm phát các chức danh giáo sư và phó giáo sư. Chưa cần đề cập đến các trường đại học ở các nước phát triển, nơi mà quyền nói trên được xem là đương nhiên, chỉ cần bình tâm nhìn sang người bạn lán giềng Trung Quốc, nước có nhiều điểm tương đồng với ta, để xem điều gì đã xảy ra, khi từ nhiều năm trước quyền phong chức danh giáo sư đã được giao cho các trường. Vậy mà không có nước nào trong số đó bị mang tiếng là lạm phát học vị, học hàm như ở nước ta trong thời gian qua, mặc dù ở ta quyền nói trên nằm trong tay Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, thật cao, nhưng cũng thật xa.
 Vì sao? Các trường, hơn ai hết, sát với đối tượng, nắm được thực chất trình độ, năng lực và giá trị khoa học các công trình của đối tượng, nhưng do nể nang nhau, không nghiêm khắc trong xét duyệt và nhất là do chẳng phải chịu trách nhiệm gì đối với quyết định bổ nhiệm, nên cứ đưa lên Hội đồng nhà nước. Hội đồng nhà nước tuy rất to, rất quan trọng, nhưng chỉ xét duyệt trên giấy tờ, chứng nhận, thực chất là do số thư ký nào đó tổng hợp lại, khó lòng biết đâu là thật-giả, hay-dở và cũng chẳng có ai thẩm tra lại hiệu quả và chất lượng làm việc của Hội đồng. Bộ ba cơ bản trong nguyên tắc quản lý: quyền-trách nhiệm-kiểm tra, không được thiết lập một cách xác đáng. Phải chăng đó là điển hình của biểu hiện tập trung quan liêu? Cứ tưởng hễ qua nhiều tầng nấc việc xét duyệt sẽ chặt chẽ, nhưng một khi chẳng có nấc nào chịu trách nhiệm rõ ràng thì kết quả thu được sẽ ngược lại. Nếu quyền được giao cho các trường và có một hội đồng khác thẩm tra lại, thì vấn đề trách nhiệm và uy tín của các trường được đặt ra rõ ràng, việc xét duyệt vì thế sẽ chặt chẽ hơn. Tiêu cực có xảy ra thì cũng không khó xác định trách nhiệm.
Năm mới, tư duy quản lý mới, mừng thay! Cuối cùng thì khoa học và giáo dục cũng đã tiến những bước đầu trên con đường tìm lại đúng vị trí tiên phong phải có của mình trong đổi mới tư duy, tự hoàn thiện mình để làm tròn sứ mệnh đối với đất nước. Mong rằng bước đi tiên phong nói trên sẽ được sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn xã hội cũng như sự đấu tranh cương quyết chống lại cách nghĩ, cách làm lỗi thời.
   

 

Tác giả: Trần Thượng Tuấn

Nguồn tin: (Tuổi trẻ, 18/1/2006. Bài đăng đã cắt bớt một số đoạn)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Chuyển giao diện: Tự động Máy Tính