Quyền năng của sự vuốt ve

Thứ ba - 13/11/2012 18:24
Quyền năng của sự vuốt ve
Vuốt ve, ôm ấp, vỗ về - những tác động đến cơ thể thông qua xúc giác - hóa ra có những quyền năng đặc biệt. Nó có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe, giải tỏa stress, chống trầm cảm, giảm bệnh tim mạch, các bệnh khác đều chóng lành và kéo dài tuổi thọ.

Nhưng nó là điều không thể thiếu trong cuộc sống lứa đôi, mang lại hạnh phúc gia đình, kể cả khi bước vào tuổi già. Thậm chí, nó có thể thay thế để lại lạc thú mà không cần sex.

Sự kỳ diệu của làn da

Nhất dáng nhì da”, các quý bà quý cô thường bảo nhau như thế. Nhưng da chỉ là yếu tố làm nên sắc đẹp thôi sao? Không! Da kỳ diệu hơn nhiều! Nếu dàn trải trên một mặt phẳng, bạn biết không, “bộ da” của chúng ta trung bình có diện tích đến 2m2.

Trên diện tích ấy, có biết bao nhiêu cơ quan cảm nhận khác nhau. Nhờ chúng, chúng ta biết rụt tay lại khi chạm gần ngọn lửa, biết tê cóng khi cầm một cục nước đá trong tay, biết nhói lên khi chạm vào một cành hoa hồng gai góc. Nó còn giống một cái tai khổng lồ có khả năng nhận biết từ 10 đến 100 rung động trong mỗi giây.

Cái cảm giác thích thú, lâng lâng khi nghe một khúc tình ca, dậm dật khi những tiếng gào thét chói tai của bản nhạc rock bốc lửa là do sự “xoa bóp” của sóng âm thanh lên da. Chẳng thế, người điếc, không hề cảm nhận được âm thanh, cũng có cảm giác giống như bạn. Họ nghe bằng da mà!

Ở cực khác của mức cảm nhận, da có thể nhận biết được cử động ở mức độ xê dịch 1 phần nghìn milimét, đủ để bạn thấy buồn buồn trên da khi con bọ mạt gà bé xíu bò lên. Da cảm nhận được cả những tác động nhỏ bé nhất từ một hơi thở nhẹ của người yêu trên cổ, một tia nắng chiếu trên cánh tay, một giọt nước bay hơi mơn man trên ngực.

Da liên quan mật thiết với các cảm xúc. Bạn đỏ mặt vì xấu hổ, tái xanh vì khiếp sợ. Nhưng xúc động làm bạn “nổi da gà”. Da liên quan đến rất nhiều trạng thái tình cảm.

Hàng triệu đầu mút của dây thần kinh, như “máy thu” cực nhỏ nằm dưới da, nhưng phân phối không đều, theo sự chỉ định của tạo hóa. Chúng tập trung nhất ở đầu ngón tay và các cơ quan sinh dục.

Chúng tiếp nhận thông tin, đưa lên não để “bộ tư lệnh” này xử lý, ra các quyết định truyền đến các bộ phận trong cơ thể thực hiện. Đó là lý do vì sao sự ve vuốt – hành động tác động trực tiếp trên da – có một quyền năng đặc biệt.

Quyền năng của ve vuốt

Sự ve vuốt trên cơ thể được thực hiện từ khi còn ở trong... bụng mẹ. Nhà nhân chủng học Boris Cyrulnik cho biết: “Chất an thần đầu tiên trong cuộc đời của một đứa trẻ là cơ thể mẹ. Nằm yên trong dạ con, nó cảm thấy như được vỗ vào lưng và đùi theo nhịp bước của mẹ.

Khi người mẹ nói, sóng âm thanh chuyển thành dao động lắc lư, vỗ về”. Với cảm xúc ban đầu như thế, mỗi người đều có khuynh hướng suốt đời tìm kiếm trở lại một cách vô thức sự an bình dễ chịu đó. Đứa trẻ nào mà chẳng thích thú bàn tay nhè nhẹ vỗ của người mẹ để chìm sâu trong giấc ngủ ngọt ngào.

Xúc giác là thứ cảm giác đầu tiên đến với một con người trong năm giác quan, dù nam hay nữ, trước cả khi mở mắt chào đời.

GS Saul Duke đã làm thí nghiệm cách ly những con chuột con ra khỏi mẹ trong vòng 45 phút, không được mẹ liếm láp, vuốt ve, nhận thấy ở chúng đã xảy ra các biến đổi quan trọng: các chất sinh hóa điều khiển sự sinh trưởng bị thay đổi rõ rệt, hóc-môn tăng trưởng và enzym giảm mạnh, nhưng khi trả chúng về ổ, sống với mẹ thì nồng độ các chất nói trên trở lại bình thường.

Điều kỳ lạ là hoàn toàn có thể đưa chúng trở lại bình thường mà không cần mẹ, bằng cách dùng một chiếc “cọ” mềm quét nhẹ một cách đều đặn lên thân chúng. Thí nghiệm ấy cho thấy tác dụng kỳ diệu của sự vuốt ve.

Một thí nghiệm khác của TS Tiffany Field, Viện nghiên cứu xúc giác, ĐH Y khoa Miami bằng cách mát-xa nhẹ, mỗi ngày 3 lần, kéo dài 15 phút kết hợp với vận động nhẹ chân tay cho các trẻ sinh thiếu tháng phải sống trong lồng kính.

Ông đã nhận thấy sau 10 ngày, giấc ngủ và hoạt động khác của chúng được cải thiện hơn hẳn, tốc độ lớn vượt 47% và được tách khỏi lồng kính sớm hón 6 ngày so với những trẻ không thực hiện liệu pháp này.

Mười tháng sau, với cách nuôi như vậy, trẻ có thân thể khỏe mạnh và trí khôn tốt hơn trẻ cùng trang lứa. TS Field giải thích: việc vuốt ve, xoa bóp đã kích thích hóc-môn sinh trưởng phát triển, kể cả các hóc-môn giúp cho việc hấp thụ thức ăn.

Tác dụng của vuốt ve không hạn chế ở lứa tuổi nào. Gần đây, các thầy thuốc phương Tây đã đưa vuốt ve vào trị liệu. Họ nhận thấy, tại các bệnh viện, những vuốt ve của y tá, bác sĩ và người thân có tác dụng giảm bớt lo âu và căng thẳng của bệnh nhân.

Vuốt ve giảm áp huyết, giảm rối loạn nhịp tim. Theo họ, “vuốt ve, an ủi có ảnh hưởng lớn. Bệnh nhân sẽ mau lành hơn khi được chăm sóc thương yêu”. Khiêu vũ là một trong những cách tạo cơ hội để có thể được vuốt ve nhiều hơn cả. Bạn thấy không, các cụ tham gia Câu lạc bộ “khiêu vũ dưỡng sinh” ở Hà Nội và TP.HCM cũng như các thành phố khác, cụ nào cũng đỏ đắn, hoạt bát, yêu đời...

Ở mức độ mạnh hơn, vuốt ve được gọi là xoa bóp. Nói về nguồn gốc, mát-xa (massage) xuất phát từ tiếng Ả rập masiah, có nghĩa là “ve vuốt bằng tay”. Phương pháp dùng tay tác động lên cơ thể để chữa bệnh không cần thuốc, phương Đông đi trước phương Tây, vì tại Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, từ thời cổ xưa đã coi vuốt ve và xoa bóp như một ngành của y học dựa tren cơ sở phát huy quyền năng của xúc giác.

Vậy mà tại Pháp chẳng hạn, mãi đến năm 1946, mát-xa mới được chính thức công nhận khi việc xoa bóp trị liệu được thừa nhận là có hiệu quả. Tuy nhiên, những năm qua, theo một điều tra tại 42.000 cơ sở mát-xa ở Pháp, ngoài việc chữa bệnh, khách hàng thực ra họ tìm đến cơ sở này với mục đích muốn mình được chú ý hơn, được vỗ về âu yếm nhiều hơn, được chăm sóc nhiều hơn.

Ước muốn được vỗ về giải thích cho sự phổ biến rộng rãi và thành công của nghề xoa bóp ở Pháp và nhiều nước châu Âu.

Phương Tây dùng mát-xa để xả stress và thư giãn khi mỏi mệt, đau đầu, chống lại trạng thái trầm cảm. Khi được xoa bóp, người ta cảm thấy rất thoải mái thể chất và sảng khoái tinh thần. Nó giúp cho máu lưu thông đều, giải tỏa máu tồn đọng ở các cơ phận, phân phối đều cho các phần khác đang thiếu, làm giãn các cơ bị căng cứng vì làm việc quá sức.

Điện não đồ của người đang được xoa bóp cho thấy sóng anpha thay đổi biên độ và giữ nguyên tần số. Đó là dấu hiệu stress được giải tỏa.

Người Mỹ vốn hay điều tra, thu thập số liệu, trong đó có những điều tra “vu vơ” nhưng cũng rút ra được những kết luận thú vị. Chẳng hạn, họ thống kê tuổi thọ, bệnh tật của các cụ già cô đơn.

Họ thấy các cụ nuôi những con thú cưng làm bạn thường ít bệnh hơn và sống lâu hơn các cụ cùng lứa tuổi đến 2, 3 năm. Và các chú chó mèo được các cụ kết bạn “tâm giao” cũng “thọ” hơn đồng loại.

Chẳng phải sự âu yếm, vỗ về, vuốt ve thường xuyên đã kéo dài tuổi thọ cả người và vật đó sao?

Vuốt ve trong cuộc sống lứa đôi

Trên cơ thể có nhiều vùng nhạy cảm hơn các vùng khác, có vai trò quan trọng trong cuộc sống lứa đôi. Đó là những vùng tập trung nhiều dây thần kinh, nhận những tín hiệu để đưa lên não. Những động tác vuốt ve, âu yếm mang tính khám phá tại vùng nhạy cảm này, kể cả những cái hôn say đắm giữa hai người khác giới, được thần kinh cấp tốc truyền lên não.

Não tiếp nhận và lập tức ra lệnh cho các tuyến tiết ra loại hóc-môn giới tính hòa tan trong máu, chuyển đến toàn thân. Đội quân hóc-môn, với vai trò chính là oxytoxin, thực hiện chức năng của mình là kích thích những ham muốn, thúc đẩy chúng thành cao trào để đưa những cặp vợ chồng đến sự thăng hoa của cảm xúc. Những sự việc gì cần xảy ra, chính vào thời điểm này, sẽ xảy ra với sự hưởng thụ đầy đủ của cả hai bên.

Quyển sách dạy về “nghệ thuật phòng the” của Ấn Độ là Kamasutra, của Trung Quốc là “Tố nữ kinh” đã mô tả vị trí của những vùng nhạy cảm và sau đó, chính nhà phân tâm học nổi tiếng người Áo Sigmund Freud đã thừa nhận.

Khoa học hiện đại làm rõ hơn những “mảnh đất”, mà sự vuốt ve âu yếm phát huy quyền lực ở mức độ tối đa. Thứ tự những vùng đó là đôi môi, dái tai, gáy, nách, ngực, bàn tay, bụng, mông, bộ phận sinh dục, vùng đáy chậu, hậu môn, vùng trong của đùi, phía sau đầu gối và bàn chân.

Những ve vuốt dạo đầu không chỉ tạo hứng thú mà còn là bước đệm, giúp cho sự giao hợp được thực hiện một cách dễ dàng hơn. Khi được ve vuốt, cơ thể sẽ có những phản ứng sinh lý: nhịp tim và nhịp thở nhanh hơn, máu dồn về các cơ quan sinh dục để kích thích cho một cuộc ái ân, đưa hai đối tượng lên đỉnh cao của khoái cảm. Không có kích thích, sẽ không có sự cương cứng, không có tiết dịch bôi trơn âm hộ, và trước hết không có ham muốn!

Nhiều người phụ nữ thú nhận giai đoạn thực hiện “chuyện vợ chồng” chưa chắc đã mang lại cho họ hứng thú bằng sự vuốt ve, âu yếm trước đó. Tiếp nhận những động tác dịu dàng và đầy tình cảm thương yêu này, cả hai đều rất xúc động và nhiều khi để lại trong họ những khoái cảm ấn tượng đến mức họ nhớ mãi sau này. Sống xa nhau, họ thường nghĩ nhiều hơn đến khoảnh khắc hai người dắm đuối trong sự vuốt ve, mơn trớn.

Thậm chí, vì lý do sức khỏe hoặc tuổi tác, bên này không thể đáp ứng được yêu cầu của bên kia, thì sự vỗ về, ôm ấp hoàn toàn có thể mang lại cho cả hai sự thỏa mãn về cả tinh thần và thể xác mà không cần phải thực hiện quan hệ tình dục “thường tình”.

Khi đã bước vào thời kỳ tắt dục, “khả năng chiến đấu” giảm sút nhưng những cặp vợ chồng nào vẫn thường xuyên duy trì các động tác âu yếm, vuốt ve nhau thì khả năng chăn gối vẫn phục hồi đáng kể.

Cho dù ở lứa tuổi nào, thậm chí cả khi “lực bất tòng tâm”, trên bảo dưới cứ ì ra, việc vuốt ve vẫn tỷ lệ thuận với hạnh phúc của những mối tình già. Các nhà khoa học bảo vuốt ve có thể thay thế được “chuyện ấy” là vì thế. Nó khiến cho các cụ ông, cụ bà thấy tự tin, yêu đời và kéo dài tuổi thọ.

Nguồn tin: sưu tầm


 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Chuyển giao diện: Tự động Máy Tính