Học, Học Nữa, Học Mãihttps://xt18.com.vn/uploads/logo-thp.png
Thứ tư - 11/09/2013 03:06
1. Núi cao và đồng bằng
Nếu đường đời có núi cao, có đồng bằng thì lúc hoang mang nhất là khi ở đồng bằng chứ không phải ở núi cao. Bởi khi trước mắt là núi cao, chúng ta chỉ phải lo nghĩ cách leo lên; còn khi ở giữa đồng bằng mênh mang, chúng ta lại phân vân không biết theo hướng nào.
Cũng như thời chúng ta đi học, hằng ngày chỉ nghĩ tới đối phó với các bài kiểm tra và bước vào được cửa đại học nhưng học xong chúng ta lại không biết làm gì! Vì thế, lúc còn đang leo núi, chúng ta nên lập kế hoạch đường đi sau này, thời học sinh càng cần lập chí hướng.
2. Trách nhiệm với cuộc sống
Thỉnh thoảng thấy trên báo tin một ông già đăng ký đi học, có thể chúng ta nghĩ: Họ học thì dùng được mấy năm?
Thật ra không ai biết được mình sẽ sống bao lâu nhưng giả sử trời bắt chúng ta ngay ngày mai rời bỏ thế giới này, chúng ta vẫn nên sống nỗ lực, bởi ý nghĩa của cuộc đời là: Chỉ cần chúng ta sống một ngày thì cũng phải có trách nhiệm với đời mình ngày hôm đó.
3. Buông lơi tinh thần
Thời học sinh, đọc sách trước khi thi một tuần cho đến lúc thi cũng khó có thể quên, nhưng sau khi thi xong chỉ hai ba ngày là quên sạch.
Buông lơi tinh thần thường là nguyên nhân thất bại lớn nhất của chúng ta, một phút buông lỏng, lơ là có thể khiến bao công lao khó nhọc trước đó trôi sạch. Nghĩ như thế, chúng ta sao không luôn tự cảnh tỉnh bản thân nhỉ?!
4. Học cổ
Khi dạy thư pháp, tôi nhận thấy nhiều học sinh viết chữ trên thiệp rất đẹp, nhưng rời thiệp ra chữ lại như gà bới. Lý do là họ chú ý bắt chước người xưa, còn không thì quên sạch. Nó cũng như nhiều người học vẽ mười mấy năm, đến khi rời thầy, rời sách vở ra thì không có cách gì sáng tác.
Học theo người xưa là học cái hay, cũng chính là để dùng cho ngày hôm nay. Bất cứ học vấn gì cũng không để thỏa mãn nhất thời mà là vốn để phát triển. Còn nếu cứ loanh quanh với kiến thức cũ, không chịu sáng tạo độc lập thì khó nói chuyện nên nghiệp.
5. Đọc ngẫu nhiên
Nhiều thành tựu lớn được bắt đầu từ hứng thú mà hứng thú thường bắt đầu từ tự tin; lòng tự tin phần lớn bắt đầu từ việc mình có điểm hơn người; phần lớn những người có điểm hơn người đều bắt đầu từ việc đọc sách ngoài lề. Từ cấp một tới cấp ba, phần lớn học sinh đọc sách giống nhau, người có được sự khác biệt thường là nhờ đọc sách ngoài lề và kinh nghiệm ngoại khóa, mà sự khác biệt đó dễ gây hứng thú, là nguyên nhân để họ tự tin và thành đạt.
Sách giáo khoa, kiến thức trường lớp dĩ nhiên quan trọng, thu thập kiến thức bên ngoài càng không thể bỏ qua.
6. Chọn sách
Nhà văn Trung Quốc Hạ Chí Tôn trong cuốn "Mười hai ngọn đèn cho bạn trẻ" viết: "Đọc một cuốn sách tồi chính là mất thời gian và tâm trí để đọc một cuốn sách tốt". Không thể đọc hết sách trên đời, vì thế chúng ta phải lựa chọn. Không chỉ đọc sách có giá trị, mà cần hơn là chọn sách phù hợp với trình độ mình, bởi sách có giá trị học thuật không nhất thiết có giá trị với mọi độc giả, ví như sách triết học nói chung không giúp gì cho học sinh tiểu học.
Vì thế tôi muốn nói: "Nên chọn sách mà đọc, chọn sách có giá trị cho bạn".
7. Cất trăm năm
Người ta mua đồ thường vì cần thiết hay vì đẹp, vì thích; như mua đồ ăn là để nuôi cơ thể hoặc vì ngon, mua quần áo để giữ ấm hay làm đẹp, mua sách vì tìm tri thức hay giải trí.
Nhưng người mua đồ ăn, chẳng mấy chốc đã ăn hết; người mua quần áo biết mình mặc chẳng được bao lâu nên cũng vội mặc, còn người mua sách lại có thể đặt ở đầu giường hay cất trên gác xép.
Đồ ăn không ăn sẽ hỏng nên phải nhanh chóng dùng; quần áo không mặc cũng lỗi mốt nên phải vội trưng; riêng sách không dễ hỏng, trừ lúc cần gấp vẫn có thể cất đấy. Đâu biết rằng, trên đời này có bao nhiêu người bỏ sách như thế mà sách lưu lại trăm năm.
8. Nuôi sách nghìn ngày, dùng một lúc
Tôi có người bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền chỉ để mua sách, thấy sách vừa mắt là trả tiền không đắn đo, vì thế sách trong nhà ông ta bằng một thư viện nhỏ.
Khi tôi hỏi mua nhiều sách thế để làm gì, ông đáp: "Mua sách về, tôi lật qua một lượt; nếu không có thời gian thì chỉ cần cố nhớ mục lục là được. Vì lúc nào cũng có sẵn sách, gặp vấn đề đột xuất, người khác chưa có cách giải quyết, tôi đã lập tức tìm ra".
Chúng ta hay nói: "Nuôi quân nghìn ngày, dùng một lúc", với sách cũng có thể nói: "Nuôi sách nghìn ngày, dùng một lúc".
9. Sách cũ
Có vị giáo sư rất uyên bác, được học sinh vô cùng mến phục. Lần nọ, sinh viên đến nhà ông, thấy sách trên giá không nhiều, bèn hỏi: "Chẳng lẽ thầy chỉ đọc có vậy, với từng ấy sách mà có được kiến thức rộng sao?". Giáo sư cười, lấy xuống một quyển, nói: "Điều khác biệt duy nhất của tôi với các bạn là sách của các bạn thường có mấy trang đầu cũ, còn những trang sau lại mới; còn sách của tôi càng về cuối càng nát".
Câu nói đơn giản nhưng có ý nghĩa sâu sắc. Cũng có thể hiểu là sinh viên thường thiếu lòng kiên trì, đầu voi đuôi chuột. Thầy giỏi vì nghiêu cứu sâu, có được kiến thức phong phú.
10. Học giỏi là quan sát giỏi
Tôi dạy vẽ, có lúc chỉ dạy cho một học sinh. Thế nhưng cũng có khá nhiều học sinh vẫn đến nghe giảng. Tôi nhận ra, những học sinh đến sớm về muộn chỉ để "học ké" này tiến bộ rất nhanh. Bởi trong quá trình học ké, họ nhận ra sai lầm của người khác và biết tránh sai lầm đó; những học sinh đã học rồi thì "ôn cũ biết mới", nhận thức càng sâu sắc.
Vì thế tôi thường nói: "Người học giỏi là người quan sát giỏi".
11. Tiêu hóa tri thức
Nếu chúng ta xem phim làm từ mấy chục năm trước, so với phim thời bây giờ sẽ cảm thấy phim bây giờ có nhịp độ nhanh hơn hẳn. Cùng một sự việc, trước kia phải mất một thời gian mới rõ thì người thời nay đã nhanh chóng hiểu ra.
Tri thức ngày một nhiều lên mà thời gian thì vẫn như cũ, nó khiến ta mỗi giây phải thu nhận kiến thức gấp nhiều lần, thậm chí gấp hàng chục lần so với xưa. Vì thế ngoài tranh thủ thời gian, sử dụng từng giây một, chúng ta còn cần phải tự bồi dưỡng năng lực tiếp thu và tiêu hóa tri thức.
12. Hấp thụ và tiếp nhận
Ăn ít chưa chắc đã gầy, ăn nhiều chưa chắc đã béo, quan trọng là có hấp thụ được hay không.
Đọc ít sách chưa chắc đã dốt, ngày nào cũng cầm sách ê a chưa chắc đã uyên thâm, quan trọng là có năng lực tiếp nhận hay không.