XT18 | NGHÈO KHÔNG PHẢI LÀ ĐỊNH MỆNH


Thứ năm - 16/01/2014 05:40

NGHÈO KHÔNG PHẢI LÀ ĐỊNH MỆNH

Trên đời không ít người xuất thân tứ gia đình nghèo khó, nhưng với ý chí kiên cường và lòng quyết tâm mãnh liệt họ đã làm thay đổi cả cuộc sống của mình. Họ tự quyết định vận mệnh của mình. Cậu bé chạy theo phụ cha mẹ bán nước mía lề đường ngày nào giờ đã là ông chủ chuỗi cửa hàng chuyên bán thú cưng nổi tiếng Sài Gòn, với thu nhập hằng tháng khoảng 100 triệu đồng. Cậu là Trần Văn Thành, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, TP HCM.
 
Năm 2008, cậu học sinh lớp 12 Trần Văn Thành hòa vào trào lưu nuôi thú kiểng đang sốt. Lúc đó cậu giấu bố mẹ mua một cặp hamster giá 120.000 đồng về nuôi. Vẻ đáng yêu của những chú chuột hang khiến Thành nhiều khi thức cả đêm để chơi với chúng. Vài tháng sau, cặp hamster của Thành cho ra đời 7 “em bé”. Cứ thế, Thành nuôi đàn hamster của mình trong cái lồng phủ vải vì sợ bố mẹ biết. “Đến khi số con trong đàn vượt quá 30, Thành biết mình không còn đủ sức nuôi chúng nữa và nghĩ là: phải bán thôi”, Thành kể: Đầu năm 2009, Thành bắt đầu tập tành lập website và rao bán những con hamster của mình trên mạng. Bán được những con đầu tiên, cậu bỗng nhận ra mình có thể kiếm được tiền từ việc này. Có vốn, cậu mua thêm con giống, thức ăn, chuồng nuôi và mọi thứ cần thiết để nuôi hamster và bổ sung vào danh sách các mặt hàng của mình. Hamster & Monkey shop của Thành ra đời từ đó.
Thành bắt đầu khoác ba lô sang Thái Lan – nơi khởi phát phong trào nuôi hamster. Cậu đi vòng quanh các khu
để tìm nguồn hàng và mở mang tầm mắt. Có lần vì ham rẻ, Thành đã nhập thử 100 con hamster từ Trung Quốc với giá chỉ bằng phân nửa giá ở Thái Lan. Đàn hamster đó sau một tuần chỉ còn 20 con sống sót. Thành phát hoảng, sau đó tìm ra nguyên nhân là các con giống ở Trung Quốc vốn không được chăm sóc tốt, lại gặp điều kiện khí hậu không tương đồng nên chết hàng loạt. “Mình cạch luôn, từ đó đến giờ chỉ dám nhập con giống từ Thái, giá tuy cao nhưng đảm bảo chất lượng”, Thành kể: Không có xe máy, thời gian đầu lập nghiệp của cậu sinh viên là những chuyến xe buýt với lồng thú ôm khư khư trong tay. Nhiều đơn đặt hàng đến từ các tỉnh xa, nhưng xe khách không có dịch vụ chuyển thú mà hamster thì sẽ chết ngay nếu bị nhốt dưới hầm xe. Thế là Thành một mình ôm lồng thú đi khắp nơi để giao hàng. “Có ngày, sáng mình ở Cần Thơ, chiều ở Vũng Tàu, về đến Sài Gòn là 10 giờ tối. Hồi ấy shop online mở ra nhiều lắm. Mình cũng không hiểu tại sao khách hàng lại tin tưởng shop mình và đặt mua rất nhiều. Nhiều bạn còn không cần giao hàng mà tự tìm đến nhà mình, leo lên tận căn gác phòng để rước hamster về”, Thành cười, nhớ lại thời gian đầu lập nghiệp.
Sau một năm bán hàng trên mạng, Thành tích cóp được chút vốn và quyết định thuê mặt bằng mở cửa hàng. Hợp đồng thuê mặt bằng đầu tiên ở đường Trần Quang Diệu bị chủ nhà đơn phương hủy bỏ sau 2 tháng vì sợ những con thú nuôi sẽ lây bệnh cho họ. Thông tin hamster có thể lây bệnh truyền nhiễm từng khiến Thành lao đao một thời gian dài. Cuối cùng, cậu cũng thuê được một căn nhà hai lầu trên đường Trần Huy Liệu. Rút kinh nghiệm lần bị đuổi trước, cậu thuê nguyên căn. Ông chủ trẻ Trần Văn Thành bước sang một giai đoạn mới của việc kinh doanh. Ăn nên làm ra, cứ sau một năm, Thành mở thêm một shop. Sau hơn 3 năm, chuỗi cửa hàng của Thành đã có 3 cơ sở tại quận Phú Nhuận, quận 10 và quận 8, đem lại lợi nhuận trung bình 100 triệu đồng mỗi tháng.
Thành tâm sự: “Lúc còn nhỏ, chạy theo xe nước mía của ba mẹ mỗi lần bị dân phòng rượt đuổi, mình đã nuôi quyết tâm thay đổi cuộc sống gia đình. Thu nhập từ việc kinh doanh bây giờ đã có thể nuôi em trai mình ăn học, giúp gia đình có cuộc sống đầy đủ hơn. Ba mẹ không còn phản đối mà quyết định ủng hộ con trai.”

Shop của Thành không chỉ bán thú cưng, mà còn có những mặt hàng tự chế gần như độc quyền. Chỉ vào kệ để những chiếc chuồng thú bằng mica nhiều màu sắc với đáy lót tấm tản nhiệt, Thành nói tất cả đều do cậu và những người bạn tự thiết kế, chế tạo tại nhà. “Hamster vốn rất sợ nóng, nên mình đã nghĩ ra việc gắn miếng tản nhiệt ở đáy chuồng giúp các bé mát hơn”, Thành nói: Chuồng được thiết kế đơn giản bằng mica, có giá rẻ hơn so với các mẫu chuồng sắt nhập từ Thái Lan phổ biến trên thị trường, được khách hàng rất ưa chuộng. Nhiều bạn du học sinh Việt Nam mua hàng rồi mang sang Mỹ, Pháp để nuôi và giới thiệu cho bạn bè, thế là sản phẩm của Thành lại được giao sang tận nước ngoài.
Chàng trai trẻ này còn thiết kế và đặt gia công nhiều mẫu đồ chơi cho hamster bằng các chất liệu khác nhau. Thành bảo, cậu hiểu hamster không chỉ cần ăn uống mà phải cho chúng chơi. Cậu phải ra đến tận Nha Trang mới tìm được loại gỗ thích hợp với giá rẻ để tạo nên những chiếc cầu thang gỗ gắn kẽm có thể uốn cong, những ngôi nhà nhỏ hay những tiện nghi nhỏ xíu để cho hamster có một nơi ở thoải mái nhất. (nguồn: vnexpress.net, 19/8/2012)
Trên thế giới có rất nhiều người với ý chí kiên cường đã vươn lên thành tỉ phú dollar.
 Nữ hoàng truyền thông Mỹ Oprah Winfrey là con của người phụ nữ đơn thân nghèo, hiện có khối tài sản trị giá 2,4 tỷ USD, nhưng công việc đầu tiên của bà để kiếm tiền là bán hàng tại tiệm tạp hóa.
Tài sản của “phù thủy sáng tạo” Steve Jobs vào khoảng 5,1 tỷ đô la Mỹ, xếp hạng 43 trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, trước khi thành công rực rỡ với Apple, công việc đầu tiên của Steve Jobs là nhân viên phụ việc trong hãng HP.
David Murdock, nhà kinh doanh giàu thứ 130 của Mỹ với tài sản 3 tỷ USD, từng làm nhân viên bán xăng rồi gia nhập quân đội. Sau khi giải ngũ ông mới tham gia vào thị trường bất động sản và trở nên giàu có.
Trước khi có trong tay 1,8 tỷ USD, John Edward Anderson thời niên thiếu từng bán bắp rang bơ tại rạp chiếu phim ở quê nhà.
Leonardo Del Vecchio, nhà thành lập hãng mắt kính lớn nhất thế giới Luxottica. Ông lớn lên trong cô nhi viện và làm công nhân trong hãng sản xuất nhựa mắt kính, nhựa ô tô. Từ đó ông lập nên công ty sản xuất mắt kính của riêng mình. Khối tài sản của ông lên đến 10,5 tỷ USD.
C-harles R. Schwab, người sáng lập và Chủ tịch hãng tài chính C-harles Schwab, người giàu thứ 67 của Mỹ với 4,7 tỷ USD. Ông từng bán hạnh nhân và trứng gà khi còn ở quê nhà Sacramento, California. Dù mắc chứng khó đọc, nhưng ông vẫn làm nên sự nghiệp lớn.
Ray Dolby là chủ và cũng là cha đẻ của hệ thống xử lý âm thanh đa chiều, có khối tài sản 3,5 tỷ USD. Ông bắt đầu công việc đầu tiên của mình ở vị trí của một người điều khiển máy chiếu phim.
Larry Ellision, người đứng thứ tư trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ do Forbes bình chọn. Nhưng ít ai biết rằng đến năm 32 tuổi ông vẫn chưa tìm được chỗ đứng cho mình. Ông học 3 trường đại học nhưng không có chiếc bằng nào, chuyển đến hơn 10 công ty và bị vợ bỏ. Sau đó, với 1.200 USD khởi nghiệp, ông gây dựng được sự nghiệp với công ty phần mềm doanh nghiệp danh tiếng Oracle và có gia tài 28 tỷ USD.
John Paul DeJoria, tài sản 4 tỷ USD, phải đi bán thiệp Giáng sinh từ khi 9 tuổi để kiếm tiền giúp mẹ, rồi từng làm các công việc gác cổng đến nhân viên bán bảo hiểm trước khi thành công với Paul Mitchell Systems chỉ với 700 USD vốn khởi nghiệp.
T. Boone Pickens, ông trùm kinh doanh và tài chính Mỹ, chủ tịch Quỹ quản lý đầu tư Capital BP. Khối tài sản của ông ước tính khoảng 1,4 tỷ USD, nằm trong top 400 người giàu nhất nước Mỹ. Ông từng là người đưa báo buổi sáng và sau đó thành lập được Petroleum Exploration chỉ với 2.500 USD tiền vốn.
Số phận của mỗi người là trong tay bản thân họ.
Fukuzawa Yukichi, nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật bản thời cận đại cho rằng: “Tình trạng giàu nghèo, mạnh, yếu dứt khoát không phải do mệnh trời hoặc là do ý trời mà ta phải cam chịu. Đó là do con người có nỗ lực hay không nỗ lực mà thôi. Nhờ nỗ lực, không biết chừng mới hôm qua còn là kẻ ngu dốt, nhưng ngày mai đã trở thành người tài giỏi; mới hôm qua còn tự vỗ ngực giàu mạnh, nhưng ngày mai trở nên hèn kém. Từ xa xưa, lịch sử đã nhiều lần chứng minh cho điều này”.

 

Nguồn tin: sưu tầm

CHIA SẺ:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây