Học, Học Nữa, Học Mãihttps://xt18.com.vn/uploads/logo-thp.png
Thứ ba - 04/03/2014 12:43
Trong cuộc sống không ai tránh khỏi những thất bại nào đấy. Đối với nhiều người, đó có thể là những thất bại vĩnh viễn vùi đập cuộc đời họ trong nghèo khó, vì họ bỏ cuộc. Những người thành công luôn xem thất bại chỉ là tình huống tạm thời, là chỉ báo điều gì đó không đúng trong quá trình hành động của họ, cần sự điều chỉnh kịp thời để tiến lên.
Chính thái độ ứng xử trước vấp váp, thất bại là yếu tố phân biệt giữa người thành công và kẻ bỏ cuộc. Người thành công thường là người gặp nhiều thất bại tạm thời hơn những người khác. Nhà bác học lỗi lạc nhất thế kỷ XX Albert Einstein tự đánh giá: “Trong một trăm phát kiến khoa học của tôi thì đến 99 cái là sai lầm, chỉ một cái là đúng.” Từ những bài học trong thực tế cuộc sống B.C. Forbes rút ra kết luận: “Lịch sử chỉ ra rằng hầu hết những người làm điều phi thường đều phải đối mặt với những khó khăn tột cùng trước khi đạt được thành công. Họ chiến thắng bởi họ không nãn lòng mỗi khi thất bại.”
Thành công chỉ đến với những ai có khát vọng thành công. Thất bại sẽ đến với những ai cho phép mình thất bại. Cơ hội thành công không bao giờ từ bỏ người có khát vọng vươn lên, nhưng sẽ không bao giờ đến với những ai thiếu vắng khát vọng thành công. Đừng chỉ mơ mộng mà không dám hành động, cũng đừng than vãn về khó khăn, trở ngại, oán trách số phận để rồi buông xuôi. Người thất bại luôn biện minh rằng mọi chuyện đều không nằm trong tầm kiểm soát của họ, mặc dù có khi lúc đầu họ cũng hăng hái bắt tay vào việc, nhưng vội vàng từ bỏ khi gặp khó khăn. Hai con đường dẫn tới sự thành công hay thất bại thường ngược chiều nhau. John C. Maxwell cho rằng : “Có hai con đường dành cho mọi người. Họ có thể hưởng thụ trước và trả giá sau, hoặc trả giá trước và hưởng thụ sau.” Còn Bill Klassen thì cảnh báo: “Cái giá phải trả sau bao giờ cũng đắt.” Những người không thành công đều có chung đặc điểm nổi bật là biết tất cả lý lẽ để biện minh cho sự thất bại của mình.